Quảng Nam: Cát Cửa Đại bị “trộm” - Ai chịu trách nhiệm?
(ĐCSVN) – Mấy ngày qua dư luận tại TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) hết sức bức xúc trước thông tin một số tàu chở cát từ dự án bơm cát khu vực ngoài khơi biển Cửa Đại vào bồi lắng, chống sạt lở cho khu vực bờ biển Cửa Đại (bị xâm thực nhiều năm nay) nhưng lại không bơm cát vào bờ mà chở ra Đà Nẵng để bán.
Trước bức xúc đó của người dân Hội An, sáng 23/3 chúng tôi đã gặp đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Quảng Nam để phản ánh và mong muốn được nghe lãnh đạo địa phương này cho biết biện pháp xử lý. Khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Quảng Nam đều cho rằng chưa nắm được vụ việc; đồng thời cho biết sẽ yêu cầu ngành chức năng và chính quyền TP. Hội An báo cáo, trên cơ sở đó sẽ có chỉ đạo xử lý cụ thể.
Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương vào cuộc để điều tra vụ việc.
Trước đó, qua phản ánh của người dân, chúng tôi được biết, từ đầu tháng 3/2017, nhiều người dân TP. Hội An đã phát hiện một số xà lan lớn bơm hút cát tại khu vực biển Cửa Đại (cách bờ khoảng 6 km) vận chuyển ra Đà Nẵng để bán cho doanh nghiệp triển khai dự án san lấp mặt bằng.
Liên quan đến việc bơm cát vào bờ biển Cửa Đại để hạn chế nạn sạt lở, xâm thực trong thời gian qua, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, từ nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 2014 đến nay, khu vực bờ biển Cửa Đại bị xâm thực, gây sạt lở rất nặng, cuốn trôi hàng quán, nhà cửa của người dân, khiến chính quyền và nhân dân hết sức lo lắng.
Trước thực tế đó, để hạn chế nạn xâm thực gây sạt lở bờ biển Cửa Đại, chính quyền TP. Hội An và tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp để cứu bờ biển này. Trong đó, địa phương đã mời các chuyên gia trong nước và quốc tế đến khảo sát, đưa ra giải pháp chống sạt lở nhưng đến nay hầu hết các ý kiến đều thực hiện không thành công hoặc hiệu quả không cao. Song song đó, để đối phó trước mắt với nạn sạt lở, tỉnh và TP cũng đã triển khai một số biện pháp kè nhưng chỉ được một thời gian, sóng biển lại cuốn trôi bờ kè. Vì vậy, sau nhiều lần hội thảo, các nhà khoa học cho rằng bờ biển Cửa Đại bị thiếu một lượng bùn cát rất lớn nên dẫn đến nguyên nhân biển xâm thực, gây sạt lở. Để giải quyết được vấn đề này, cần phải bổ sung một lượng bùn cát nhất định cho khu vực bờ biển. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành dự án bơm cát bổ sung cho khu vực bờ biển Cửa Đại. Trong đó, dự án bơm cát bồi lắng cho bờ biển Cửa Đại (còn gọi là Dự án nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại đoạn Hội An- Cù Lao) do UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND TP. Hội An phối hợp với Cục Đường thuỷ Nội địa (Bộ Giao thông Vận tải) bơm khoảng 180.000 mét khối cát bồi lắng cho bờ biển Cửa Đại. Dự án được thực hiện từ tháng 2/2017.
Để triển khai Dự án, Ban Quản lý các Dự án Đầu tư và Xây dựng thành phố Hội An và Ban Quản lý Đường thủy nội địa đã thuê các đội tàu biển gồm 8 tàu của Công ty Thành Đô, 4 tàu của Công ty Sơn Thịnh và 5 tàu của Công ty Thuận Lưu bơm hút cát cách bờ biển Cửa Đại khoảng 6km hoặc hút cát bồi lắng từ các cửa sông rồi bơm vào bờ Cửa Đại.
Điều đáng nói là trong quá trình triển khai dự án bơm hút cát bồi lắng cho bờ biển Cửa Đại kể trên, lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý của chính quyền và ngành chức năng, các tàu tham gia chở cát lẽ ra phải chở cát vào gần bờ và bơm vào khu vực bờ biển bị sạt lở, thiếu cát… thì lại lén lút chở trộm cát ra Đà Nẵng để bán cho một chủ doanh nghiệp thực hiện dự án san nền.
Vụ việc diễn ra được một thời gian với số lượng cát vận chuyển ra Đà Nẵng theo người dân là khá lớn. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thì đến giờ này, chưa một phương tiện chở cát lén lút nào bị bắt giữ; TP không hề biết hay phát hiện có tàu chở cát lén lút đi tiêu thụ ở Đà Nẵng. Ông Hùng khẳng định: Cái khó ở đây là khu vực biển rộng, lại là ranh giới giữa TP.Hội An và huyện Duy Xuyên, trong khi đó các đối tượng lấy trộm cát đi bán lợi dụng ban đêm để làm nên khó phát hiện hay bắt giữ được. Hiện tại, ở đây, công tác quản lý liên quan đến nhiều vấn đề như tài nguyên, luồng tuyến, giao thông và địa bàn. Tuy nhiên, đây là khu vực ranh giới giữa Hội An và Duy Xuyên nên TP đã giao cho Đồn Biên phòng Cửa Đại kiểm tra, kiểm soát.
Về trách nhiệm của đơn vị trước thông tin phản ánh của người dân là có việc tàu chở cát từ Hội An ra Đà Nẵng để bán, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Đoạn quản lý Đường thuỷ Nội địa (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam), đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình bơm hút cát của Dự án nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại đoạn Hội An - Cù Lao cho biết, trong quá trình điều hành và giám sát phương tiện tại đây, ngày 12/3, cán bộ Đoạn quản lý Đường thuỷ Nội địa phát hiện xà lan mang số hiệu HP 4055 và ĐNa 0578 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Đô hút cát ở luồng phía Bắc, cách vị trí được phép hút cát khoảng 3km rồi chở đi bán tại Đà Nẵng. Đến ngày 13/3, đơn vị lại tiếp tục phát hiện thêm xà lan HP 4288 của Công ty Thành Đô hút cát chở đi Đà Nẵng.
Để rõ hơn về trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng Đồn Cửa Đại, đơn vị được giao nhiệm vụ tuần tra trên biển, chúng tôi đã liên lạc với chỉ huy Đồn Biên phòng này nhưng không nhận được câu trả lời.
Trong khi đó, theo ông Lê Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, ngay sau khi có thông tin về tình trạng doanh nghiệp chở trộm cát từ Cửa Đại ra Đà Nẵng bán cho doanh nghiệp san lấp mặt bằng, lãnh đạo Sở đến hiện trường tìm hiểu trong khu vực luồng do Sở quản lý có “tuồn” cát ra bên ngoài hay không, nếu có sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xử lý chủ đầu tư, đơn vị thi công và tư vấn giám sát.
Như vậy, qua thông tin từ chính quyền địa phương TP.Hội An đến ngành chức năng có liên quan trong vụ việc này, chúng tôi nhận thấy vụ việc đang có dấu hiệu không bình thường, nhất là trách nhiệm quản lý của chính quyền TP.Hội An, của Đồn biên phòng Cửa Đại. Dự án hút cát để bổ sung cho bờ biển Cửa Đại chống xâm thực, sạt lở được triển khai với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước đang có dấu hiệu bị trục lợi 2 đầu, tức là vừa lấy tiền ngân sách, vừa bán cát. Vậy số tiền bị trục lợi này sẽ chảy vào túi ai? Người dân đang chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An./.