Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng cáo "bẩn”… trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Ba, 28/02/2023 21:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày càng có nhiều quảng cáo sai sự thật, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để lừa dối công chúng, người tiêu dùng… trách nhiệm thuộc về ai?

 Ảnh minh họa (Theo Báo Tuổi trẻ)

Với sự phát triển vượt bậc của các phương tiện truyền thông, người dân ngày càng có nhiều nguồn kênh để nắm bắt, tiếp xúc và cập nhật tin tức hằng ngày; kéo theo đó là sự tiện lợi trong việc tìm hiểu những sản phẩm, hàng hóa phù hợp với nhu cầu của mỗi người. Thế nhưng chính vì có quá nhiều nguồn tham khảo đã dẫn đến hiện trạng “quá tải”, nhiễu loạn thông tin, khiến cho việc chọn lọc ngày càng trở nên khó khăn hơn. Và đây cũng là “thời cơ chín muồi” cho những “kẻ tâm cơ” lợi dụng để kiếm lợi về mình.

“Bà con ai đang gặp các vấn đề về xương khớp, gọi cho tôi, tôi cam kết chữa khỏi 100%”, “Nhà tôi ba đời chữa các bệnh về xương khớp….”,…. đó là những mẫu câu quen thuộc mà ta có thể bắt gặp hàng ngày trên các nền tảng mạng xã hội bởi độ phổ biến vô cùng rộng rãi. Từ chỗ là những câu thoại “kinh điển” được gắn mác “người thật việc thật” với mục đích phóng đại công dụng của những thực phẩm chức năng, giờ đây, nó đã trở thành câu “trendy” trên cửa miệng của giới trẻ như lời đáp trả đầy châm biếm với hình thức quảng cáo “lừa lọc” đang ngày một tràn lan.

Tuy nhiên, những hành vi đáng lên án đó dù đã được cảnh báo nhưng dường như không có sự thuyên giảm mà lại phát triển lên một trình độ mới, khó lường hơn. Không lựa chọn một cách thức quảng cáo lan man dài dòng với những kịch bản “sướt mướt”, “những kẻ gian manh” đã tận dụng triệt để hình thức “kinh doanh lòng tin”, đặc biệt tập trung đánh vào tâm lý của những đối tượng cả tin, yếu lòng mà ngang nhiên “hoành hành”. Nắm bắt được suy nghĩ của người tiêu dùng cũng như hiểu rõ sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ của các KOL (người có sự ảnh hưởng lớn trong xã hội…), nghệ sĩ nổi tiếng; chúng đã sử dụng đồng tiền với mục đích “thao túng”, biến họ trở thành “tay sai”, tiếp tay cho hành vi lừa đảo. Điều này cũng dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh đáng báo động về đạo đức làm nghề của nhiều nghệ sĩ. Bất chấp lòng tin, tình cảm, sự tín nhiệm người hâm mộ dành cho mình, họ sẵn sàng đem uy tín của bản thân ra làm công cụ lừa phỉnh.

Sau hàng loạt những lời chỉ trích, lên án gay gắt từ cư dân mạng, nhiều nghệ sĩ đã ra mặt nói hai tiếng “xin lỗi” trong muộn màng. Thế nhưng một tờ giấy trắng một khi đã bị vò nát thì khó có thể trở lại nguyên dạng, phẳng phiu, đẹp đẽ như ban đầu; cũng giống như lòng tin dành cho một người, một khi đã mất đi thì khó có thể lấy lại toàn vẹn. Họ không chỉ đạp đổ hình ảnh mà bản thân đã dày công xây dựng bấy lâu mà còn phá vỡ cái nhìn của công chúng về những đồng nghiệp, về giới nghệ sĩ nói chung. Thậm chí, trên mạng còn lan truyền một bài vè phản pháo về hiện trạng này: “Thoát vị đĩa đệm thì gặp Quyền Linh. U xơ trong mình, đến Hồng Vân gấp. Vai gáy tê thấp, thì gặp Cát Tường. Nếu bị tiểu đường, Quang Tèo chữa khỏi. Đột quỵ đừng đợi, gặp ngay Trấn Thành. Quang Thắng chữa nhanh, dạ dày trào ngược. Nếu không chữa được, lại gặp Quyền Linh”.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề uy tín hay lòng tin, viêc tiếp tay cho những thực phẩm chăm sóc sức khỏe, những sản phẩm không rõ nguồn gốc buôn bán công khai trên các nền tảng truyền thông, còn là hành vi vi phạm pháp luật cần phải chịu trách nhiệm và nhận lấy những hình phạt thích đáng.

Đương nhiên, bên cạnh những trường hợp tiêu cực như trên thì tồn tại không ít những người nổi tiếng bị ăn cắp hình ảnh, cắt ghép, chỉnh sửa để dàn dựng quảng cáo thiếu uy tín. Một ví dụ điển hình là trường hợp của ca sĩ Hòa Minzy, để đề phòng việc này, cô đã phải đau đầu thay đổi nhiều biện pháp, cách thức “live stream” để ngăn chặn tình trạng sử dụng hình ảnh trái phép.

Từ đó, ta cũng nhận ra một câu hỏi lớn hơn cần lời giải đáp, vậy tại sao những quảng cáo lừa đảo như vậy vẫn xuất hiện một cách thường xuyên, không ngừng nghỉ trên các trang mạng xã hội? Phải làm gì để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này một cách hiệu quả? Chính những doanh nghiệp bất chấp hình thức “làm ăn bẩn” để kiếm lợi nhuận, sự kết hợp thiếu chặt chẽ của các Bộ, ngành đã đưa đến tình trạng nhiễu loạn, khó kiểm soát này. Để tự bảo vệ mình, không có cách này khác người tiêu dùng phải chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin để trở thành những người tiêu dùng thông minh, tỉnh táo, ngày càng lan tỏa nó đến với nhiều người trong xã hội để ngăn chặn tối đa tiêu cực nảy sinh, để không bị rơi vào những cái “bẫy” quảng cáo vừa tốn tiền vô ích, vừa hại thân hay thậm chí gây biến chứng hệ trọng đến sức khỏe bản thân.

Bên cạnh đó rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành làm sao để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe để thanh lọc được môi trường “quảng cáo bẩn” đang nhiễu loạn trên mạng hiện nay.

Dương Thảo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN