Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Bình: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Bảy, 02/09/2023 18:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Người có uy tín thực sự là cầu nối đặc biệt, điểm tựa góp phần xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ gìn truyền thống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên 3.845 km2, với 10.907 hộ, 45.400 người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 6.417 hộ, 27.004 nhân khẩu (chiếm hơn 2,2% dân số toàn tỉnh), gồm đồng bào dân tộc Bru - Vân kiều, Chứt, Mường, Thổ, Tày, Nùng, Thái… Đồng bào sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 103 thôn, bản thuộc 15 xã và 3 bản của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

 Người có uy tín Quảng Bình là cầu nối gắn kết giữa chính quyền và người dân

Trong những năm gần đây đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình đã góp phần “lan tỏa” những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời họ cũng là cơ sở để Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương nắm bắt tình hình thực tiễn để kịp thời có những định hướng, chính sách phù hợp.

Hiện nay, Quảng Bình có 104 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là các già làng, trưởng bản... Nhận thức vai trò to lớn của người có uy tín đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình xác định “Tăng cường đoàn kết dân tộc. Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế địa bàn miền núi nhằm tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò, uy tín của người tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc”. Thực hiện chủ trương, thời gian qua công tác phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được một số kết quả.

Người có uy tín thực sự là cầu nối đặc biệt, điểm tựa góp phần xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ gìn truyền thống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước trong những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn phát huy vị trí, vai trò làm “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể với nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số để truyền tải và triển khai thực tế chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, người có uy tín luôn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Họ cũng là những tấm gương sáng trong việc nghiên cứu, học tập những chủ trương và chính sách mới của Đảng và Nhà nước; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới; vận động bà con giữ gìn an ninh biên giới, tăng gia phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo. 

Bà Hồ Thị Con - người có uy tín trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy
các bản sắc văn hóa, dân tộc 

Theo đó, trong các nhiệm vụ đều nổi lên các điển hình, như: Trong sản xuất kinh doanh giỏi có các ông Hồ A Lai, Hồ Văn Pan, Hoàng Bình (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy); ông Hồ Ngọc Thọ (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy); ông Nguyễn Văn Sơn (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh); bà Hồ Thị Thanh (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa)… Trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa, dân tộc có bà Hồ Thị Con, bà Hồ Thị Chiêm, ông Trần Văn Phúc (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh); ông Đinh Chon (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch); ông Trần Xuân Tư (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa)… Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đoàn kết toàn dân có ông Hồ Hơn (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh); ông Quách Tẩm (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch); bà Phạm Thị Lâm (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa);  ông Hồ Ten (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa); ông Cao Xuân Long (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa); ông Cao Văn Minh (xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa); ông Hồ Thoong (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa).... Trong giữ gìn quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội có ông Đinh Xuân Thanh (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa); ông Đinh Liễn (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch); bà Hồ Thị Bưởi (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh); ông Hồ Văn Vưn (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy)...

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, thời gian tới, để phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Ban dân tộc tỉnh Quảng Bình sẽ tăng cường nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, sử dụng lực lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ quan trọng trong công tác vận động quần chúng ở cơ sở Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của người có uy tín trên từng lĩnh vực để có kế hoạch bồi dưỡng, biện pháp vận động, tranh thủ phù hợp. Hằng năm, cấp ủy đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác xây dựng lưc lượng người có uy tín; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng; kịp thời cung cấp thông tin về kinh tế - xã hội, các chủ trương mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho lực lượng người có uy tín để họ góp sức vào tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia và ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc; việc lựa chọn, xây dựng người có uy tín được tiến hành thường xuyên, kiên trì, bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín; tổ chức động viên, thăm hỏi chu đáo, kịp thời. Đồng thời, phải có biểu dương, khen thưởng, khích lệ, xây dựng tấm gương tiêu biểu đúng đắn, phù hợp…/.

 

CTV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN