Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Bình chủ động ứng phó mưa lớn và gió mạnh trên biển

Thứ Hai, 13/11/2023 16:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Bình, từ ngày 12-17/11, do ảnh hưởng của của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một đợt mưa vừa đến mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã có Công văn về việc chủ động ứng phó mưa lớn trên đất liền và gió mạnh trên biển.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Khánh Trinh) 

Thông tin tại Công văn cho biết, trên địa bàn tỉnh có một số tuyến đường giao thông đi qua các điểm sông, suối, ngầm tràn thường xuyên bị chia cắt khi mưa lũ, gây nguy hiểm cho người dân và khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn. Do đó, các địa phương, đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sớm triển khai chuẩn bị tốt các giải pháp ứng phó, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, quán triệt phương châm “4 tại chỗ” với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống cho người dân.

Các lực lượng chức năng tại Quảng Bình thông báo cho các phương tiện tàu, thuyền chủ động phòng tránh gió mạnh trên biển và có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện và thuyền trưởng các tàu, thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Ứng phó với diễn biến của mưa lũ trên đất liền, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cần kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; cảnh báo các khu dân cư ven sông, ven suối đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Tại Quảng Bình, trong những đợt mưa lớn gần đây, 153 hồ thủy lợi trên địa bàn đã đạt bình quân gần 82% dung tích thiết kế; trong đó, 13 hồ đã đạt 100% dung tích thiết kế. Mực nước các hồ thủy lợi lên nhanh đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn của hồ đập; một số hồ xuất hiện tình trạng thấm nước thân đập luôn phải có lực lượng túc trực 24/24 giờ để đảm bảo an toàn công trình.

Bên cạnh đó, tại 8 vị trí có nguy cơ sạt lở cao như: đồi phòng không xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa); điểm sạt lở tổ dân 5, thị trấn Quy Đạt, núi Cây Sường tại tổ dân phố 8 thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa); đồi Hạ Vàng thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch). Đây là những vị trí tập trung đông dân cư ở dưới chân đồi, cần tính phương án di dời dân khi mưa lớn để đảm bảo an toàn.

Riêng đồi Hạ Vàng, hiện huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang thực hiện phương án hạ thấp độ cao ngọn đồi, chống sạt lở vùi lấp khu dân cư ngay dưới chân đồi. Diện tích khu vực thực hiện phương án này hơn 33.000 m2, khối lượng đất đào trên 451.000 m3.

Tỉnh Quảng Bình cũng giao lực lượng Biên phòng phối hợp chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát đảm bảo dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày. Các địa phương cử lực lượng túc trực tại các ngầm tràn khe suối, không cho người dân qua lại khi mưa lớn, khuyến cáo người dân không đánh cá, vớt củi… tại các sông, suối khi mực nước đang dâng cao. Địa phương cũng nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi mưa lũ xảy ra.

 

Tá Chuyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN