Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Bình: Cải thiện chất lượng CSSKSS nhờ những cô đỡ thôn bản

Thứ Tư, 16/12/2015 10:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) là một trong những nhiệm vụ chiến lược của ngành y tế nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. Xác định tầm quan trọng của công tác này, ngành y tế tỉnh Quảng Bình luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS trên địa bàn tỉnh.

Là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, Quảng Bình hiện có 159 xã, phường, thị trấn trong đó có 37 xã đặc biệt khó khăn và trên 55% người lao động sống bằng nghề nông, lâm nghiệp. Với sự phân bố dân cư không đồng đều trong nhiều vùng kinh tế đặc thù gồm đồng bằng, miền núi, rẻo cao..., đời sống kinh tế người dân trên địa bàn còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, quanh năm chịu nhiều thiên tai, những yếu tố đó đã phần nào tác động đến việc triển khai các hoạt động liên quan đến công tác CSSKSS của tỉnh Quảng Bình.

Hiện công tác CSSKSS của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về mặt nhân lực, trang thiết bị và kinh phí. Theo Báo cáo kết quả thực hiện công tác CSSKSS tỉnh Quảng Bình 9 tháng đầu năm 2015 của Trung tâm CSSKSS tỉnh, một số khoa Chăm sóc SKSS tuyến huyện còn thiếu bác sỹ; chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS tại một số xã còn hạn chế; việc triển khai cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo phương thức xã hội hóa tại các tuyến còn nhiều lúng túng về phương tiện, thu phí dịch vụ. Cùng với đó, kinh phí đầu tư cho công tác chăm sóc SKSS còn hạn chế, như: đối với Dự án Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, hiện không có phụ cấp cho cộng tác viên dinh dưỡng, nên khó triển khai một số hoạt động như: vận động nhân dân đưa con em đi cân đo, tổ chức truyền thông tại cộng đồng, tư vấn phát hiện suy dinh dưỡng, quản lý đối tượng tại địa phương. Không có kinh phí cho mua sắm cân, thước đo, phương tiện truyền thông vì vậy khó khăn trong việc truyền thông nâng cao nhận thức và quản lý tình trạng dinh dưỡng cho cộng đồng. Kinh phí cho hoạt động truyền thông SKSS vị thành niên còn ít, thiếu tờ rơi truyền thông, sổ sách cập nhật riêng về lĩnh vực CSSKSS cho vị thanh niên... Riêng đối với Trung tâm CSSKSS tỉnh là đơn vị chuyên môn nhưng không tiếp cận được nguồn vốn, kỹ thuật do vậy kết quả hoạt động cũng có phần còn hạn chế.


BS CKII Trần Thị Loan (áo tím, đứng thứ hai từ phải sang)
bàn giao túi dụng cụ thiết yếu cho các Cô đỡ thôn bản. Ảnh: T.H.

Khắc phục những khó khăn trước mắt, ngành y tế Quảng Bình đã phấn đấu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực CSSKSS. Theo BS CKII Trần Thị Loan, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm 2015, Trung tâm CSSKSS tỉnh đã chú trọng triển khai Chiến lược quốc gia về công tác CSSKSS, tăng cường thực hiện Chỉ thị 05/CT-BYT ngày 15/10/2009 của Bộ Y tế về việc “Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ nhằm giảm tử vong mẹ”; công văn chỉ đạo số 751/SYT ngày 28/5/2012 của Sở Y tế về việc “Triển khai một số nội dung nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh”… Cùng với đó, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự giám sát hỗ trợ thường xuyên của tuyến tỉnh, huyện đến trạm y tế xã, nên công tác CSSKSS đã cải thiện được nhiều vấn đề tồn tại ở cơ sở. Tại các bệnh viện đa khoa huyện, thành phố đã thực hiện các dịch vụ sức khỏe sinh sản theo phân tuyến kỹ thuật như: Mổ lấy thai, mổ cắt tử cung bán phần, mổ chửa ngoài tử cung, xử trí tích cực giai đoạn 3 chuyển dạ,... Khoa CSSKSS tuyến huyện, thành phố thực hiện các dịch vụ như: Khám thai, khám và điều trị viêm nhiễm phụ khoa, cung cấp các biện pháp tránh thai, xử trí các tai biến, tác dụng phụ khi sử dụng các biện pháp tránh thai, phá thai bằng phương pháp hút chân không đến hết 7 tuần tuổi. Tuyến xã thực hiện cơ bản các dịch vụ CSSKSS theo phân tuyến kỹ thuật. Các chỉ số về chăm sóc SKSS ngày càng được nâng cao, chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS đã đáp ứng được theo phân tuyến kỹ thuật.

Bác sĩ Loan cho biết thêm, một trong những kết quả nổi bật trong lĩnh vực CSSKSS của Quảng Bình là đào tạo các Cô đỡ thôn bản (CĐTB), góp phần giảm đáng kể tỉ lệ tử vong mẹ trên địa bàn tỉnh. Ở những xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, việc các bà mẹ mang bầu tự đi thăm khám hầu như không có, thậm chí có người muốn đi khám thai thì việc đi lại cũng rất khó khăn. Do đó, nhu cầu phục vụ tại chỗ thực sự rất cần thiết. Đứng trước thực trạng này, Trung tâm CSSKSS tỉnh đã lựa chọn mô hình đào tạo cô đỡ thôn bản (CĐTB) ngay tại thôn, bản bởi các cô là người tại bản, có lợi thế về mặt ngôn ngữ nên việc truyền đạt sẽ gần gũi, dễ hiểu hơn với bà con. Khi đào tạo mô hình này, chúng tôi chủ yếu tiến hành theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, do vậy sau khi tốt nghiệp các CĐTB có thể làm được những việc rất cơ bản trong vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi luôn khuyến khích các cô chăm sóc, phát hiện các nguy cơ tai biến sản khoa, tư vấn cho bà mẹ đến khám thai tại các cơ sở y tế. Nhờ có mô hình này nên tại các xã trước đây luôn có tỉ lệ tử vong mẹ ở mức cao như Ngân Thủy, Trọng Hóa, Kim Thủy..., bà con ở những khu vực này nhận thức còn rất hạn chế, lại tồn tại nhiều hủ tục nhưng từ khi có các CĐTB, tỉ lệ tử vong mẹ ở những xã này hầu như không có, công tác CSSKSS bước đầu được cải thiện đáng kể ở cấp cơ sở.

Hiện tại, Quảng Bình có 202 thôn, bản có nhân viên y tế cần được bổ túc thêm nghiệp vụ CĐTB, 91 thôn, bản có nguyện vọng đào tạo mới đội ngũ CĐTB, do đó Trung tâm CSSKSS tỉnh đã xây dựng Đề án đào tạo CĐTB. Nếu được phê duyệt, Đề án sẽ hỗ trợ rất nhiều cho y tế tuyến cơ sở, cải thiện đáng kể chất lượng công tác CSSKSS ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa của Quảng Bình. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành y tế tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục nỗ lực hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong năm 2015, khắc phục những khó khăn trước mắt để người dân ngày càng được tiếp cận sử dụng các dịch vụ CSSKSS ngày một tốt hơn./.

Trung Kiên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN