Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người
(ĐCSVN) – Ngày 28/10, TP Hồ Chí Minh cho phép các cơ sở kinh doanh hoạt động dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ, trong đó riêng TP Thủ Đức và quận 7 được thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn. Trên thực tế, đây là những hoạt động tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về dịch bệnh, do đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người.
Một quán nhậu trên địa bàn quận Gò Vấp đã bị lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính khi để khách sử dụng rượu bia (ảnh: Ninh Sự) |
Tối 27/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đã ký ban hành Quyết định số 3569/UBND-KT về hoạt động kinh doanh hoạt động ăn uống.
Theo đó, xét đề nghị của Sở Công thương tại công văn số 4785/SCT-VP, cho phép quán hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ, nhưng phải đảm bảo một số điều kiện hoạt động, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo cho phép các cơ sở kinh doanh hoạt động dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ kể từ ngày 28/10 và phải đảm bảo đáp ứng các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 (Ban hành kèm theo QĐ 3677/QĐ-BCĐ ngày 27/10 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19).
Đồng thời, các cơ sở này chỉ được phép hoạt động kết thúc trước 21 giờ hàng ngày, công suất tối đa 50% trở xuống; không bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn. Các quy định trên không áp dụng đối với hệ thống các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch.
UBND TP Hồ Chí Minh giao UBND TP Thủ Đức và quận 7 căn cứ mức độ kiểm soát dịch xem xét, quyết định cụ thể địa bàn được thực hiện thí điểm hoạt động dịch vụ kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn. Thời gian thực hiện thí điểm đến ngày 15/11. Sau thời gian thí điểm, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và quận 7 tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; báo cáo, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh làm cơ sở để tiếp tục triển khai và nhân rộng tại các địa bàn khác.
Sau hơn 2 ngày triển khai, thực tế cho thấy không ít quán ăn tại TP Hồ Chí Minh đã đông đúc sau thời gian dài đóng cửa, không được phép bán tại chỗ. Thêm vào đó, mặc dù chỉ một số địa điểm tại TP Thủ Đức và quận 7 được phép thí điểm kinh doanh dịch vụ đồ uống có cồn, song tại nhiều quận, huyện khác, các quán ăn đã mặc nhiên phục vụ rượu, bia cho thực khách. Có nơi ngụy trang bằng nhiều hình thức để qua mặt các cơ quan chức năng: bố trí các tấm mành che chắn phía trước, đèn bảng hiệu được tắt; sử dụng ly sứ có màu thay cho ly thủy tinh; đựng bia trong thùng giấy…
Qua hơn 2 ngày triển khai cũng có tình trạng người dân từ các địa phương khác tới TP Thủ Đức và quận 7 để được “uống bia, rượu hợp pháp”… Hoạt động này đang tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, nếu như bản thân mỗi người dân không tự ý thức bảo vệ cho chính mình, người thân và cộng đồng.
Tối 29/10, trong chương trình “Dân hỏi Thành phố trả lời”, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết, thời gian qua Thành phố đã phải trải qua những tháng ngày dịch bệnh hết sức phức tạp. Chính vì thế khi dịch bệnh dần được kiểm soát, Thành phố càng không được chủ quan, lơ là và chính vì không chủ quan nên Thành phố mới từng bước mở cửa, việc mở cửa phải đảm bảo an toàn.
Cũng theo bà Lan, đối với việc cho phép hàng quán mở cửa phục vụ tại chỗ, đặc biệt là thí điểm tại quận 7, TP Thủ Đức cho sử dụng đồ uống có cồn cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. “Chúng ta mong số ca nhiễm mỗi ngày sẽ giảm đi. Tuy nhiên, việc thí điểm này mà khiến cho số ca nhiễm tăng vọt, tôi nghĩ Thành phố sẽ không cho bán rượu, bia tại quán ăn tại chỗ nữa”, bà Lan nhấn mạnh.
Theo bà Lan, nếu Thành phố cứ đóng cửa suốt thì không thể chịu nổi, mà mở một cách tự do quá, thêm vào đó là người dân lại chủ quan thì khác nào phủ định, đốt bỏ tất cả những thành quả mà chúng ta đã nỗ lực, quyết tâm đạt được.
Do đó, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố nhấn mạnh, với hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn hiện nay, việc tuân thủ các quy định về an toàn phòng chống dịch chủ yếu là dựa trên ý thức của khách hàng và chủ cơ sở trong việc tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch, giữ khoảng cách, quét mã QR, khai báo y tế...
Rất hiểu tâm lý của một số người dân, khi lâu ngày mọi người không gặp nhau do dịch bệnh, nay gặp rồi có thêm ly rượu ly bia cũng là thú vui, nhưng bà Lan cho rằng, niềm vui ấy có đáng gì khi phải vượt cả quãng đường dài để được nhậu, chưa kể khéo ra về lại được “khuyến mại” thêm con COVID. Thêm nữa, lỡ chẳng may bị nhiễm bệnh, rồi lỡ lây bệnh cho người thân và không biết trước hậu quả ra sao có khi phải đổi cả bằng tính mạng. Vậy, niềm vui ấy có đáng không? Bà Lan đặt câu hỏi.
Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cũng mong người dân luôn đề cao ý thức phòng bệnh. Điều đó cũng góp phần giảm áp lực cho ngành y tế Thành phố.
“Người dân cần thay đổi thói quen khi vào quán như luôn đeo khẩu trang trước và sau khi ăn, hạn chế tụ tập giao lưu và không nên ngồi quá lâu trong quán, dễ bị lây nhiễm dù đã tiêm đủ vắc xin”, bà Lan khuyến cáo.
Bên cạnh công tác tuyên truyền để người dân có ý thức chấp hành các quy định trong Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 (Ban hành kèm theo QĐ 3677/QĐ-BCĐ ngày 27/10 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19), thiết nghĩ cũng cần áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm những ai vi phạm.
Ngoài ra, hiện nay, quán nhậu đang được mở thí điểm trong khi xe công nghệ chưa hoạt động nhiều, tự lái xe sau khi đã uống rượu bia cũng là một kiểu vi phạm cần được nhắc nhở và nghiêm túc xử lý.
Được biết, trong đêm 29/10 đến rạng sáng 30/10, Đội Tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh lập chốt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại giao lộ đường Phạm Văn Đồng – Phan Văn Trị, Phường 11, quận Bình Thạnh cũng đã phát hiện khá nhiều trường hợp vi phạm.
Thành phố đã có nhiều ngày trung bình 5,7 nghìn ca nhiễm mới, với hàng trăm người chết vì COVID-19 trong một ngày. Thành phố được mệnh danh là nơi sôi động và sầm uất thế nhưng đã có những ngày đường phố vắng tanh không một bóng người mà thay vào đó là tiếng còi hú xé lòng của những chiếc xe cứu thương. Thành phố đã có những ngày đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh giăng dây phong tỏa...
Vì thế, để được đi lại thoải mái như hôm nay, được ăn một tô phở tại quán, được uống một ly cà phê cùng người thân tại quán, được ăn một món ngon nào đó mình thích cũng tại quán ... có lẽ đã là hạnh phúc lắm rồi. Bảo vệ mình và cộng đồng là điều ai cũng đã thấm thía và nhận thức tốt hơn qua đại dịch này. Mong TP Hồ Chí Minh sẽ mau chóng “phục hồi sức khỏe” để mọi hoạt động lại được trở lại như xưa. Còn nay, thiết nghĩ mọi người “vui thôi, đừng vui quá”. Chúng ta đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều và chúng ta cũng đã mất mát rất nhiều để có được thành quả như hôm nay thì mỗi người hãy biết hi sinh một chút, ráng thêm một chút nữa, để góp phần chung tay cùng chính quyền Thành phố đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh.
Hiện nay cũng có ý kiến cho rằng, giải pháp thí điểm cho quận 7 và TP Thủ Đức mở hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ có bán, sử dụng đồ uống có cồn chưa thực sự tối ưu. Bởi điều đó dẫn đến hiện tượng nhiều người dân có nhu cầu sẽ tập trung đông đúc ở 2 địa phương trên, dẫn tới tình trạng nhà hàng sẽ bị quá tải, việc tuân thủ về khoảng cách an toàn theo quy định phòng dịch bệnh sẽ khó đảm bảo. Bên cạnh nguy cơ lây nhiễm bệnh, nguy cơ về tai nạn giao thông khi người dân sử dụng đồ uống có cồn khi vị trí di chuyển xa cũng là vấn đề rất đáng lo ngại. |