Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quan tâm giáo dục phổ thông ở địa bàn miền núi và vùng dân tộc thiểu số

Thứ Bảy, 02/02/2019 10:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Chính vì vậy, giáo dục dân tộc đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng trong sự nghiệp kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tuyết Vân

Ngân sách Nhà nước đã dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng trường, lớp học; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ các em học sinh dân tộc thiểu số khó khăn có điều kiện học tập. Mạng lưới, quy mô trường lớp từ mầm non đến THPT ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trong độ tuổi đến trường.

Các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có lớp mầm non; hầu hết các xã có trường tiểu học ở khu vực trung tâm và trường THCS; các huyện đều có trường THPT. Nhiều trường mầm non, THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia.

Cụ thể, theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hầu hết các tỉnh, huyện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều có trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), một số địa phương có trường liên huyện, trường cụm xã. Tất cả các dân tộc thiểu số đều đã có con em theo học tại trường PTDTNT. Hiện nay, có 319 trường PTDTNT được thành lập ở 50 tỉnh/thành phố với gần 97.000 học sinh, chiếm 8,1% số học sinh dân tộc thiểu số cấp Trung học của cả nước.

Toàn quốc đã có 28 tỉnh có trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) với số lượng 1.097 trường và 185.671 học sinh bán trú. Ngoài ra còn có hơn 2.200 trường phổ thông có học sinh bán trú với số lượng 161.241 học sinh bán trú. Nhờ có hệ thống trường PTDTBT mà tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi ra lớp tăng, số học sinh dân tộc thiểu bỏ học giảm. Hiện nay, có 4 trường dự bị đại học, trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc có hệ dự bị đại học và 3 khoa dự bị đại học thuộc các trường đại học với quy mô khoảng 5.000 học sinh dự bị/năm.

Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã có Quyết định số 775/QĐ-TTg, ngày 27/6/2018 Phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 sẽ tăng cường đầu tư cho hệ thống  trường PTDTNT và PTDTBT.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục các cấp học ở nhiều chuyển biến tích cực, năm sau tốt hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ cao; học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng qua mỗi năm. Trên 50% thi đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng, 5% học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học, 20% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, số ít còn lại tham gia công tác và lao động sản xuất ở địa phương.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số, thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về quyền trẻ em, trong đó có quyền được tham gia học tập, giáo dục. Đặc biệt là nhận thức của cha mẹ học sinh. Tuyên truyền  để các cấp uỷ đảng, chính quyền ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số quan tâm hơn nữa đến lãnh đạo, chỉ đạo và vận động các tổ chức, nhân dân tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, quy hoạch, sắp xếp hoàn thiện hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của miền núi, vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em, người học vùng dân tộc thiểu số được tham gia học tập; tập trung các giải pháp cố gắng để huy động hầu hết học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, miền núi đến trường, lớp; triển khai có hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. 

Thực hiện lồng ghép các nội dung, chương trình giáo dục để nâng cao năng lực, kỹ năng sống, gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc. Xây dựng môi trường giáo dục thấu hiểu, thân thiện đối với học sinh người dân tộc thiểu số. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi để phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đặc biệt ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục mầm non, hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng DTTS, miền núi bền vững./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN