Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quản lý tài nguyên nước – cần đồng bộ về hành lang pháp lý

Thứ Hai, 28/08/2023 16:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

Việt Nam luôn xác định "nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước". Hiến pháp Việt Nam đã quy định "nước là tài sản". Các chính sách, thể chế về tài nguyên nước đang được hoàn thiện là cơ sở để quản lý một cách bài bản và có tầm nhìn xa.

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ cũng tăng cường công tác triển khai các hoạt động hướng đến đảm bảo an ninh nguồn nước; cải tạo, phục hồi các dòng sông suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm; khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Trong đó, mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long…

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, đến nay, đã có khoảng hơn 24.000 công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua công cụ cấp phép.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước vẫn còn phổ biến. Vì vậy, thời gian tới, cần tạo hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý tài nguyên nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW vừa được Cục Quản lý tài nguyên nước gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan Trung ương đã thực hiện 31 cuộc thanh, kiểm tra tài nguyên nước đối với 206 cơ sở khai thác và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố và đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về khai thác, sử dụng nước như: chưa có giấy phép, khai thác vượt quy định giấy phép; không thực hiện quan trắc giám sát theo quy định của giấy phép.

Trên cơ sở đó, các cơ quan Trung ương đã xử phạt các cơ sở vi phạm gần 15 tỷ đồng. Ngoài ra, qua kiểm tra báo cáo định kỳ, theo dõi qua hệ thống giám sát tự động trực tuyến, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị các địa phương xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm quy định của giấy phép về khai thác sử dụng nước. Ở cấp địa phương, theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong 10 năm qua, các địa phương đã triển khai gần 3.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước đối với gần 19.000 đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; qua đó phát hiện và xử lý hơn 1.500 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước với tổng số tiền phạt gần 59 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước nguyên nhân dẫn tới các sai phạm trên là do có sự chồng chéo, không thống nhất trong quy định pháp luật, đối tượng, phạm vi quản lý, trách nhiệm quản lý giữa lĩnh vực tài nguyên nước và các lĩnh vực chuyên ngành có liên quan. Mặt khác, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý tài nguyên nước cũng chưa đầy đủ. Nhận thức của chính quyền, các tổ chức, cá nhân, người dân về vai trò của tài nguyên nước và việc thực thi chấp hành pháp Luật Tài nguyên nước còn hạn chế.

Cùng với đó, các chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước chưa thực sự rõ ràng; việc quản lý các dòng sông, quản lý các tầng chứa nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống hậu quả do nước gây ra và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp trong các vấn đề này chưa được quy định một cách hệ thống, rõ ràng, còn thiếu hoặc chưa đầy đủ để giải quyết các vấn đề thực tế.

Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, thiếu cơ chế chính sách thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân; giá trị tài nguyên nước chưa được tính toán, hạch toán đầy đủ.

Ngoài ra, công tác quy hoạch tài nguyên nước triển khai còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được yêu cầu là cơ sở phân bổ, điều tiết nhu cầu nước của các ngành. Hiệu quả khai thác sử dụng nước trong các ngành còn thấp. Rừng đầu nguồn suy giảm và công tác bảo vệ nguồn sinh thủy chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức…

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời tham gia đề xuất, kiến nghị chủ trương, chính sách quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới vào báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ông Nguyễn Minh Khuyến cho rằng, Việt Nam cần hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, đồng thời bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước, đặc biệt là tạo hành lang pháp lý đồng bộ về tài nguyên nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước (Nguồn: sưu tầm)

Thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, thiết yếu, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước; việc khai thác sử dụng tài nguyên nước phải theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Ông Nguyễn Minh Khuyến cũng cho biết, đặc biệt, triển khai chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT tập trung nguồn lực xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét và thông qua trong năm 2023. Dự thảo Luật được xây dựng với việc sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quy định quan trọng sẽ giúp Nhà nước quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước, đồng bộ giữa các ngành, các địa phương.

Các nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo là hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính ngành nước theo hướng quản trị thông minh; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước và điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hướng bền vững.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu đổi mới, kiện toàn các ủy ban lưu vực sông, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp trong quy hoạch đồng bộ. Việt Nam cần chủ động kế hoạch sử dụng nước trên sông xuyên biên giới trên cơ sở giám sát, hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước trong việc chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc, vận hành khai thác nguồn nước; cải thiện, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng.

Mặt khác, các cấp Trung ương và địa phương cần tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, chỉ tiêu đảm bảo an ninh tài nguyên nước, chủ động nguồn nước cho các ngành, lĩnh vực: sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác. Tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao chỉ tiêu đảm bảo an ninh tài nguyên nước trong thu gom, xử lý nước thải và thoát nước; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ; vận hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, để thay đổi nhận thức và hành động trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước thì giải pháp đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả cũng rất quan trọng./.

VH(Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN