Quản lý phát triển xã hội ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên
(ĐCSVN) – Tại Hội thảo, nhiều vấn đề đặt ra đã được làm sáng tỏ cả về cơ sở lý luận, thực tiễn liên quan đến phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng. Cùng với đó, những kinh nghiệm quốc tế có giá trị gợi ý trong quản lý phát triển xã hội cũng được các đại biểu chia sẻ, thảo luận.
Sáng 29/10, tại TP Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực III và Viện Khoa học xã hội Vùng Trung bộ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Quản lý phát triển xã hội ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên”.
Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự, hợp tác của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý tại các cơ quan, đơn vị của Trung ương, các địa phương thuộc khu vực miền Trung- Tây Nguyên và một số địa phương khác như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Điện Biên, Đồng Nai…
Tại Hội thảo, nhiều vấn đề đặt ra đã được làm sáng tỏ cả về cơ sở lý luận, thực tiễn liên quan đến phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung- Tây Nguyên nói riêng. Cùng với đó, những kinh nghiệm quốc tế có giá trị gợi ý cho Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong quản lý phát triển xã hội cũng được các đại biểu chia sẻ, thảo luận.
TS Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Đình Tăng) |
Đặc biệt, các quan điểm, đường lối của Đảng ta về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng phù hợp vào điều kiện của miền Trung – Tây Nguyên đã được nhiều đại biểu phân tích; đồng thời đánh giá được thực trạng phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở miền Trung - Tây Nguyên hiện nay, trên cơ sở đó đã đề xuất các mô hình, định hướng và giải pháp quản lý phát triển xã hội tại miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian tới.
Trao đổi tại Hội thảo, TS Vũ Anh Tuấn (Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III) cho biết: Vai trò của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội được Đảng ta nhận thức rõ và lần đầu tiên vấn đề “quản lý phát triển xã hội” được nêu ra trong Văn kiện Đại hội VII (1991) của Đảng. Điều này đã thể hiện cách tiếp cận mới của Đảng ta trong quản trị đất nước. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của phát triển bền vững và quản lý phát triển xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Đại hội VII, Đảng đã khẳng định quan điểm: Quản lý phát triển xã hội cần phải có những chính sách phù hợp với các giai cấp, tầng lớp và cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, cho đến nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta vẫn chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề xã hội, của mô hình, phương thức phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội trong các chiến lược phát triển”. Vì thế, quản lý phát triển xã hội trong nhiều năm qua, bên cạnh những nỗ lực và một số thành tựu đáng được ghi nhận về xây dựng thể chế, củng cố thiết chế, tăng cường các nguồn lực, coi trọng hiệu quả trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật...thì vẫn tồn tại không ít những hạn chế, bất cập.
TS Vũ Anh Tuấn dẫn ra những hạn chế, bất cập cụ thể đó là: “Quản lý phát triển xã hội chưa xác định rõ định hướng và những nhiệm vụ mang tính tổng thể, đồng bộ, liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực, còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, lĩnh vực quản lý. Hệ thống chính sách, pháp luật chưa đồng bộ. Chưa thể chế hóa và chưa có sự quản lý thống nhất ở cấp vĩ mô về phát triển xã hội bền vững. Hệ thống văn bản pháp lý về phát triển của từng ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu nhất quán; nhiều kế hoạch phát triển của từng lĩnh vực, địa phương chưa chú ý đúng mức đến phát triển xã hội bền vững của vùng, liên vùng và quốc gia”.
Trên cơ sở nhận định trên, TS Vũ Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh quản lý phát triển xã hội của đất nước như thế, ở các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên hiện nay, quản lý phát triển xã hội vừa chứa đựng nhiều vấn đề chung của cả nước, vừa có những vấn đề đặc thù của mình. Rất nhiều hạn chế, bất cập hiện diện trong đời sống xã hội, trên các lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xóa đói giảm nghèo, phân hóa giàu nghèo,… Theo đó, không ít các vấn đề cần được nhận thức thấu đáo về hiện trạng, về nguyên nhân để từ đó có thể tìm kiếm các giải pháp khả thi, hữu hiệu nhằm cải thiện từng bước hiệu lực, hiệu quả của quản lý phát triển xã hội ở khu vực này theo định hướng của Đảng tại Đại hội XIII.
Đồng tình quan điểm của TS Vũ Anh Tuấn, TS Phạm Thị Ngọc Hà (Học viện Chính trị khu vực III) trong tham luận “Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội thời kỳ đổi mới” đã hệ thống những quan điểm về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của Đảng ta qua các kỳ đại hội; đồng thời khẳng định: Ngay từ đầu thời kỳ Đổi Mới, khi đất nước còn đang trong tình trạng kinh tế kém phát triển, nguồn lực suy kiệt sau các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chịu thiệt hại do cấm vận kinh tế, Đại hội VI của Đảng (12/1986) đã hoạch định đường lối đổi mới đất nước, trong đó bắt đầu từ đổi mới tư duy lý luận, nhận thức rõ hơn, đúng đắn hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, xác lập một mô hình phát triển mới cho đất nước, bổ sung, phát triển lý luận về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong điều kiện mới.
Đại hội VI khẳng định quan điểm lấy việc phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của phát triển xã hội. Quan niệm này đánh dấu sự đổi mới nhận thức của Đảng về vấn đề phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, cốt lõi của đổi mới là đặt con người vào vị trí trung tâm, lấy việc phát triển nhân tố con người làm thước đo hiệu quả của mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Đại hội VI năm 1986 cũng đã đưa ra quan điểm chủ đạo về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội: ”Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nhưng những mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế”. Từ quan điểm mang tính chung nhất này, việc đảm bảo mục tiêu phát triển xã hội trong các chiến lược chính sách trở thành điểm xuyên suốt của thời kỳ Đổi Mới”- TS Phạm Thị Ngọc Hà chia sẻ thêm.
Quang cảnh tại Hội thảo Quản lý phát triển xã hội ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên diễn ra sáng 29/10/2021 tại Đà Nẵng (Anh: Đình Tăng) |
Trao đổi tại Hội thảo, nhiều vấn đề liên quan đến các nhân tố tác động đến quản lý xã hội và quản lý xã hội có hiệu quả, bền vững; các mô hình quản lý phát triển xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay gắn với các định hướng chính sách của Đảng, Nhà nước ta; các vấn đề an ninh xã hội, quản lý- sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; các nhân tố bất bình đẳng thu nhập tại miền Trung- Tây Nguyên; sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển Nam Trung bộ; quản lý phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển dân chủ ở cơ sở; luật tục về quan hệ gia đình của các dân tộc thiểu số; quản lý xã hội vùng dân tộc thiểu số ở miền Trung- Tây Nguyên…. đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của đại biểu dự Hội thảo.
Cạnh đó, nhiều tham luận liên quan đến kinh nghiệm quản lý phát triển xã hội tại TP Đà Nẵng, tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Nông, Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam… cũng được đặt ra và nhìn từ nhiều mục tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… vừa góp phần cung cấp những luận cứ khoa học, đồng thời cũng góp phần tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương và địa phương ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trong việc xác định mô hình, định hướng giải pháp quản lý phát triển xã hội ở khu vực này trong thời gian tới.
Theo đánh giá của TS Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội vùng Trung bộ: Với 43 tham luận gửi đến Hội thảo cùng nhiều ý kiến trực tiếp thảo luận, trao đổi tại Hội thảo lần này đã cho thấy sức hấp dẫn, tính phong phú, thiết thực mà Hội thảo mang lại. Đây cũng là sản phẩm hợp tác có giá trị trong hoạt động khoa học thường niên giữa Học viện Chính trị khu vực III và Viện Khoa học xã hội Vùng Trung bộ hiện nay. Qua đó tạo diễn đàn để các nhà khoa học của hai bên và các nhà quản lý ở các địa phương cùng trao đổi, luận giải những vấn đề lý luận, làm sâu sắc hơn quan điểm, đường lối của Đảng, thống nhất với nhau trong nhìn nhận, đánh giá thực trạng quản lý phát triển xã hội ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Từ diễn đàn của Hội thảo, đã góp phần đưa ra nhiều đề xuất về các mô hình, định hướng giải pháp quản lý phát triển xã hội tại miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian tới./.