Quân khu 3 đăng cai Hội thảo khoa học giai đoạn 2000-2020
(ĐCSVN) - Ngày 3/6, tại Hải Phòng, Tổng cục Chính trị (TCCT) tổ chức Hội thảo khoa học Công trình “Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2000-2020”. Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm TCCT, Trưởng ban chỉ đạo, Trưởng ban nghiên cứu, biên soạn công trình chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị có Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu 3; Trung tướng Nguyễn Quang Cường, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 3; các đồng chí là chính ủy (bí thư đảng ủy) các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương (QUTW), Bộ Quốc phòng (BQP) và TCCT; các nhà khoa học, đại biểu ban nghiên cứu, biên soạn công trình, cán bộ nghiên cứu tổng kết lịch sử trong toàn quân.
Thượng tướng Đỗ Căn chủ trì hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Trường). |
Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ QUTW, TCCT đã ban hành hướng dẫn, triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn công trình cho 58 đơn vị đầu mối trực thuộc QUTW, BQP. Đến nay Công trình “Lịch sử CTĐ, CTCT trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2000-2020” đã qua 4 bổ sung và ngày càng hoàn chỉnh với kết cấu gồm: Lời nói đầu, 3 chương nội dung, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và mục lục, dung lượng 364 trang. Trong đó 3 chương nội dung gồm: CTĐ, CTCT trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2000-2010; CTĐ, CTCT trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020; Một số vấn đề cơ bản và kinh nghiệm rút ra từ hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2000-2020.
Công trình đã bám sát mục tiêu, thực hiện được nhiệm vụ đặt ra. Nội dung tái hiện khái quát, làm nổi bật những thành công, hạn chế của hoạt động CTĐ, CTCT giai đoạn 2000-2020. Một số vấn đề cơ bản về kinh nghiệm tiến hành CTĐ, CTCT trong giai đoạn này cũng được khái quát đầy đủ, chính xác, phù hợp với thực tế, đúng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về tiến hành CTĐ, CTCT trong quân đội. Công trình thực sự có giá trị lý luận thực tiễn trong nghiên cứu, vận dụng nhằm phát triển nâng cao chất lượng hiệu quả CTĐ, CTCT trong sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần giáo dục truyền thống cho bộ đội; truyền thụ kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức và tiến hành CTĐ, CTCT cho cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cán bộ chính trị, cơ quan chính trị các cấp; phục vụ các học viện, nhà trường quân đội trong giảng dạy.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc khái quát lịch sự ra đời, phát triển của lực lượng vũ trang Quân khu 3 qua các thời kỳ. Nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động CTĐ, CTCT, nhất là việc giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ, từ năm 2000 đến nay lực lượng vũ trang Quân khu 3 đã biên soạn, xuất bản hơn 200 công trình lịch sử. Trong đó, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 trực tiếp chỉ đạo biên soạn, xuất bản 7 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử và tổng kết CTĐ, CTCT. Đến nay 100% các đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Quân khu 3 đã xuất bản lịch sử đảng bộ; trên 40% quận, huyện, thị xã, thành phố hoàn thành biên soạn lịch sử đảng bộ quân sự.
Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc phát biểu chào mừng. (Ảnh: Nguyễn Trường). |
Hiện nay Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đang chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn 2 công trình cấp TCCT gồm: “Lịch sử CTĐ, CTCT trong lực lượng vũ trang Quân khu 3 giai đoạn 2000-2020” và “Tổng kết CTĐ, CTCT của lực lượng vũ trang Quân khu 3 trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, vùng trời Tổ quốc (1975-2020)”. Quân khu 3 mong Công trình “Lịch sử CTĐ, CTCT trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2000- 2020” sớm nghiệm thu, xuất bản thành sách để kịp thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung và lực lượng vũ trang Quân khu 3 nói riêng.
Tại hội thảo, các ý kiến đều đánh giá cao về vị trí, tầm quan trọng của công trình cũng như sự chuẩn bị công phu của Ban chỉ đạo, Ban nghiên cứu, biên soạn; khẳng định công trình nghiên cứu đúng đối tượng, xác định rõ phạm vi nghiên cứu. Các đại biểu cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của bản thảo đã trình tại hội thảo đồng thời bổ sung thêm một số nội dung để Công trình “Lịch sử CTĐ, CTCT trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2000-2020” chính xác, bảo đảm tính logic, khoa học và chất lượng.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thượng tướng Đỗ Căn đánh giá các ý kiến phát biểu đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị công phu, đánh giá đúng, bổ sung nội dung phù hợp, chính xác, sát thực tiễn; đồng thời yêu cầu các thành viên Ban nghiên cứu, biên soạn tiếp thu các ý kiến trên để hoàn chỉnh, bổ sung vào bản thảo. Đồng chí Phó Chủ nhiệm TCCT đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, biên soạn hoàn thành công trình lịch sử CTĐ, CTCT ở cấp mình bảo đảm chặt chẽ, chất lượng cao./.