Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Quái xế”: Xử lý từ gốc!

Thứ Tư, 06/11/2024 10:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tụ tập, điều khiển xe ô tô gắn máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, liên tục hò hét, thậm chí cầm phóng lợn ẩu đả trên đường... Hình ảnh này là nỗi khiếp sợ cho người tham gia giao thông ở Hà Nội khi giáp mặt "quái xế".

Hồn nhiên vi phạm

Mặc dù không còn xa lạ với hình ảnh từng nhóm “quái xế” không đội mũ bảo hiểm đua nhau chạy tốc độ cao trên đường phố Hà Nội, đánh võng, bốc đầu, thậm chí cầm theo nhiều hung khí làm náo loạn đường phố về đêm, thế nhưng, người dân tham gia giao thông vẫn chưa khi nào hết khiếp sợ.

Mới nhất, ngày 3/11, một phụ nữ tử vong thương tâm do một nhóm thanh niên gây ra trên đường phố Hà Nội. Trong lời khai ban đầu, " quái xế"- một cô gái 19 tuổi thừa nhận chưa có bằng lái, vì bốc đồng vọt ga đuổi theo bạn bè mà đã tước đi sinh mạng của một con người, đem đến tang tóc và mất mát khôn nguôi cho gia đình nạn nhân. Câu hỏi đặt ra, nếu được giáo dục tốt từ phía gia đình, nhà trường thì liệu có giảm tình trạng các thanh thiếu niên này hồn nhiên vi phạm pháp luật?!

Điều đáng nói ở đây, trong các trường hợp thiếu niên tham gia đoàn "quái xế", đa số người giao xe, chính là cha mẹ và người thân.

 Hiện trường vụ tai nạn khiến một phụ nữ tử vong tại đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định, người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Trường hợp gây chết người hoặc gây thương tích từ 61% trở lên thì người điều khiển lẫn người giao xe sẽ đều phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, không phải tất cả các vụ tai nạn tương tự như vụ việc trên cả người điều khiển phương tiện lẫn người giao xe đều bị khởi tố. Phần lớn chỉ có người điều khiển phương tiện gây tại nạn bị khởi tố. Đây có lẽ chính là mấu chốt khiến cho cái gọi là “hồn nhiên vi phạm” vẫn diễn ra dẫn đến nhiều hậu quả tang thương.

Cần xử lý triệt để vấn đề từ gốc

Mặc dù công an đã ra quân, các vụ việc cũng đã được đưa ra pháp luật để xử lý nhưng cũng chưa thể triệt để được tình trạng quái xế trên đường phố các đô thị lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào xử phạt, dẹp loạn của cơ quan chức năng thì chỉ phần ngọn vấn đề được giải quyết.

Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng những vụ tai nạn giao thông như vậy có một phần lỗi từ gia đình, nhà trường cho đến các thiết chế xã hội đã không đủ ngăn ngừa hành vi vi phạm của thanh thiếu niên.

Về phía gia đình, nhiều cha mẹ thương con một cách thiếu hiểu biết khi vẫn giao xe cho con dù chúng chưa đủ điều kiện điều khiển. Nếu đứng trước các cổng trường Trung học phổ thông tại Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh trên người vẫn mặc đồng phục, đầu không đội mũ bảo hiểm và điều khiển phương tiện xe mô tô gắn máy. Trên các loại xe tay ga đời mới, các em mặc sức vít ga, rồ ga, một xe chở đến ba, bốn người, dàn hàng ngang, ngông nghênh giữa phố. Đây chính là hậu quả của hành vi thiếu hiểu biết hoặc nhờn luật, có thể do đã nhiều lần vi phạm nhưng không bị ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đây cũng chính là mầm mống, nguyên nhân khiến các vụ tại nạn do “quái xế” gây ra chưa biết khi nào mới chấm dứt được. Pháp luật không được thượng tôn, tất yếu khó tránh khỏi những vụ việc đau lòng.

Nhân văn với những kẻ phạm pháp tức là coi nhẹ quyền sống của những người vô tội./.

Đỗ Thuỷ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN