Quá nhiều văn bản!
(ĐCSVN) - Có tới trên 300 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cả Trung ương và địa phương để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
"Trên 300 văn bản của cả Trung ương và địa phương" là con số được Đoàn Giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” đưa ra trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra chiều qua 17/8.
Rõ ràng, số lượng văn bản trên là quá “đồ sộ”!. Chẳng hạn, chỉ riêng với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành đã ban hành trên 54 văn bản liên quan đến quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình. Trên cơ sở đó, bình quân mỗi tỉnh cũng phải ban hành khoảng từ 40 đến 50 văn bản quản lý, hướng dẫn theo thẩm quyền.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: baodantoc.vn) |
“Tại sao lại phải nhiều văn bản như thế? Nhất là khi trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thì chỉ có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới, hai Chương trình còn lại là tiếp tục thực hiện” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu phải trả lời được câu hỏi này.
Vấn đề nữa, nhiều nhưng lại không đủ!
Đoàn giám sát đã chỉ ra, nhiều nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, khó thực hiện, có những nội dung dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng địa phương vẫn không triển khai được. Thậm chí có nội dung sau khi được sửa đổi, bổ sung thì quy định còn chặt chẽ, khó thực hiện hơn.
Chính phủ, các bộ ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn và giao vốn kế hoạch trung hạn vốn đầu tư và hàng năm còn chậm. Lại cũng vẫn còn một số bộ, ngành chưa sâu, sát, đánh giá, nắm bắt, tham mưu, xây dựng văn bản chưa bám sát với tình hình thực tiễn.
Thêm nữa, hiện tại đã đến giữa kỳ thực hiện, nhưng vẫn còn một số nội dung chính sách, tiêu chí vẫn chưa được các bộ, ngành hướng dẫn.
Điển hình như, do khối lượng các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi là rất lớn, nên mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Ủy ban dân tộc, các bộ ngành trung ương và địa phương đã rất tích cực, quyết liệt nhưng công tác ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, còn có nhiều bất cập, có nội dung hướng dẫn của Chương trình đến nay chưa hoàn thành, nội dung yêu cầu sửa đổi.
Kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, thì 16 tháng sau (14/10/2021) Chính phủ mới ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021). Tiếp theo đó, gần một năm sau nhiều bộ ngành mới ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến dự án, tiểu dự án của Chương trình. Cá biệt có những bộ ngành gần 18 tháng mới ban hành thông tư hướng dẫn!.
“Tình trạng chung trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là một số văn bản đã ban hành còn có khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung; số lượng văn bản phân cấp cho địa phương ban hành còn nhiều; nhiều vấn đề mới, khó, phức tạp giao cho các địa phương cụ thể hóa như lồng ghép vốn, thủ tục hành chính trong các dự án phát triển sản xuất...” - Đoàn Giám sát chỉ rõ.
Hơn 300 văn bản được ban hành cho thấy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã rất trách nhiệm. Nhưng chắc chắn, số lượng văn bản chỉ đạo, điều hành hướng dẫn “đồ sộ” như trên sẽ dẫn đến rất khó khăn trong quá trình tra cứu.
Việc ban hành đồng thời 3 Chương trình đều có điểm chung là hướng đến người nghèo, vùng nông thôn, dân tộc thiểu số khó khăn nhưng hướng dẫn khác nhau cũng tạo ra khó khăn, bất cập, lúng túng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện.
Thực tế, kết quả thực hiện các chương trình còn khá “khiêm tốn”. Trong đó có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện. Đây là vấn đề Chính phủ, cùng các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phân tích, làm rõ để nâng cao hiệu quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu. Điều này cũng đòi hỏi cần phải cân nhắc và tính đến việc quyết định, lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn tiếp theo./.