Pin hiệu điện thế lớn làm từ gần 3.000 quả chanh
(ĐCSVN) – Chanh không chỉ là một loại trái cây mà còn được biết đến là một vật chất có thể tạo ra điện. Thực tế đó đã được chứng minh khi mới đây, một nhóm các nhà hóa học ở Anh đã sử dụng 2.923 quả chanh để tạo nên một quả pin được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là quả pin hoa quả đạt mức hiệu điện thế cao nhất thế giới.
Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh đã giành được Kỷ lục Guinness thế giới khi sử dụng 2.923 quả chanh tạo ra một quả pin có hiệu điện thế 2.307,8 vôn. (Ảnh: UPI) |
Tổ chức kỷ lục thế giới Guinness cho biết những nhà khoa học trong Hiệp hội Hóa học Hoàng gia ở Manchester (Anh) đã cắt đôi hàng nghìn quả chanh rồi sử dụng các dải kẽm và đồng để kết nối chúng lại với nhau ở cả hai đầu, tạo thành một quả pin có hiệu điện thế 2.307,8 vôn.
Thành tích này đã phá vỡ kỷ lục của một quả pin hoa quả được Tổ chức kỷ lục thế giới Guinness công nhận trước đó, với mức hiệu điện thế 1.521 vôn.
Giáo sư Saiful Islam thuộc Đại học Bath, người tham gia vào nỗ lực thiết lập kỷ lục thế giới Guinness lần này lý giải nước chanh hoạt động như một chất điện phân, trong đó kẽm và đồng đóng vai trò là điện cực. Nói một cách cụ thể hơn, nước chanh (chất điện phân) cho phép các ion di chuyển từ dải kẽm sang dải đồng.
Để xác minh kết quả đạt được, những quả chanh đã được đặt cùng nhau trên giá và gắn vào một vôn kế để xác định chính xác hiệu điện thế. Sau đó, quả pin chanh đã được sử dụng để kích hoạt đèn LED gắn với cảm biến ánh sáng kích hoạt rơ le và hệ thống bắn pháo hoa để bắt đầu một đua xe go-kart.
Quy trình tạo ra quả pin chanh có hiệu điện thế lớn nhất thế giới. (Video: guinnessworldrecords) |
Những quả chanh được sử dụng trong nỗ lực lập kỷ lục thế giới năm nay được cung cấp bởi Refood, một công ty Anh chuyên sử dụng chất thải thực phẩm để tạo ra năng lượng tái tạo cho hệ thống khí đốt quốc gia, trong khi phần chất lỏng còn lại được sử dụng để làm phân bón sinh học cho các trang trại địa phương.
Nỗ lực chế tạo quả pin hoa quả lập kỷ lục thế giới Guinness được thực hiện ở Manchester và được phát sóng trên kênh truyền hình Sky News để nêu bật tầm quan trọng của việc lưu trữ năng lượng và phát minh ra những cải tiến mới để hướng tới một thế giới không carbon./.