Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phục hồi hệ thống rừng và trồng rừng tại Việt Nam

Thứ Sáu, 28/07/2023 14:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, rừng tự nhiên tại Việt Nam bị suy giảm mạnh về chất lượng lẫn số lượng, đó là 1 thực tại đáng báo động mà chúng ta không thể phủ nhận. Theo những số liệu thống kê, mỗi năm trung bình nước ta mất khoảng 2.500 ha rừng. Mất rừng cũng kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng, đặc biệt là hiện tượng thiên tai do biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, của cải người dân.

Đứng trước những thách thức đó, Chính phủ, các cơ quan ban ngành và nhiều tổ chức môi trường, cá nhân tại Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và phục hồi rừng. Nổi bật nhất phải nhắc đến đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo kế hoạch đề ra, từ năm 2022-2025, cả nước trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020. Đề án 1 tỷ cây xanh (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.

Với 180.000 ha rừng trồng tập trung trong đó có 150.000 ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được khoảng 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến, ngoài ra với tổng diện tích 180.000 ha rừng tập trung được trồng mới, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 4,5 triệu USD.

Chặt phá rừng gây biến đổi khí hậu

* Những hiệu quả bước đầu đã đạt được

Những năm qua, công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng còn thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Việc chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ; ranh giới ba loại rừng, ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng vẫn chưa được xác định trên bản đồ và thực địa.

Để khắc phục các tồn tại trong công tác trồng và bảo vệ rừng, năm 2021, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.

Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, cần thiết lập cơ chế huy động quỹ để gây quỹ hiệu quả cho việc trồng cây từ khu vực tư nhân, điều quan trọng là phải thiết kế một cơ chế thể chế cho phép các thực thể khác nhau của khu vực tư nhân (công ty, xã hội, quỹ tín thác, cá nhân, v.v.) đóng góp các nguồn lực tài chính khác nhau theo một cách an toàn, thuận tiện, hiệu quả.

Đồng thời, nỗ lực phục hồi rừng không thể thiếu sự khai thác từ nguồn lực xã hội, thông qua các sáng kiến quốc tế, các nguồn quỹ sáng kiến cacbon, quỹ sáng kiến xanh, hoặc các nguồn vốn viện trợ phát triển hoặc nguồn lực ODA các phong trào phục hồi rừng trong nước có thể tìm kiếm nguồn lực từ các quỹ tài trợ này.

Trồng rừng góp phần nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH 

Ở nhiều quốc gia, các phong trào xanh đã gây được nguồn quỹ rất lớn từ sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt là nguồn tài trợ của chính phủ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc các cam kết quốc tế về trồng rừng và biến đổi khí hậu như các chương trình quốc tế, bao gồm REDD+; CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp); và chương trình FLEGT (Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị và Thương mại) của Liên minh Châu Âu và các Thỏa thuận Đối tác Tự nguyện (VPA), đã giúp hỗ trợ chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững. Công ước Bonn, là một nền tảng toàn cầu, tập trung vào việc phục hồi các vùng đất bị suy thoái và mất rừng.

Một số tổ chức, doanh nghiệp có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo có tổng kinh phí đầu tư cho trồng rừng mới và trồng cây xanh năm 2021 với tổng nguồn vốn đầu tư cho trồng cây, trồng mới rừng trên 3.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động được từ xã hội hóa hơn 1.583 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52% tổng vốn trồng rừng và cây xanh. Năm 2022 khoảng 3.520 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động được từ xã hội hóa đạt 1.688 tỷ đồng, chiếm 48% tổng kinh phí, đây là kết quả rất đáng khích lệ, cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng trong những năm tiếp theo.

* Phát triển thị trường cacbon từ rừng và sự phối hợp đa bên.

Để nâng hiệu quả phục hồi rừng, cần thiết lập môi trường thuận lợi và cấu trúc thể chế, thúc đẩy sự hợp tác hiệp lực giữa các bên liên quan chính, nông dân, các cơ quan chính phủ, các nhóm xã hội dân sự và khu vực tư nhân là một yếu tố quan trọng của chiến lược quản lý này. Đồng thời cần có một cơ chế giám sát mạnh mẽ trong việc huy động nguồn quỹ và triển khai thực hiện trong thực tế; Các cơ quan và đơn vị thực hiện cũng có thể nhận tài trợ, thiết lập và duy trì các khu vực trồng rừng, phân bổ nguồn quỹ, với sự tham vấn của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, phòng nông nghiệp, cơ quan kiểm lâm, các chủ rừng và các cơ quan liên quan để thực hiện giải quyết khó khăn liên quan đến đất đai, thiết kế trồng rừng, chọn giống cây, nghiệm thu, quản lý bảo vệ rừng sau khi trồng và xây dựng chính sách khuyến khích người dân trồng và phục hồi rừng bằng cây bản địa để đảm bảo thu nhập cho người dân về lâu dài nhưng cũng tăng cường khả năng phòng hộ của rừng.

Có thể chuyển đổi rừng trồng ngắn ngày (keo, tràm) sang trồng cây bản địa với mục đích phục hồi rừng vào diện được hưởng tiền “dịch vụ môi trường rừng” (hiện chỉ có người dân trồng và giữ rừng trong lưu vực có thủy điện, khai thác nước sạch, du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính... mới được hưởng chính sách này). Khuyến khích người dân lựa chọn trồng xen những loài cây có khả năng thu hái lâm sản lâu dài xen với cây bản địa.

Một hướng đi mới là lượng hóa và cụ thể hóa chương trình giảm phát thải, trao đổi tín chỉ carbon. Quy định những đối tượng sản xuất kinh doanh nào phải tích điểm carbon và việc trao đổi tín chỉ carbon không nhất thiết qua kênh nhà nước mà xã hội hóa nó và hình thành một thị trường “carbon credits” để có thể quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Những việc làm này sẽ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Bên cạnh đó, việc phục hồi rừng còn tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)./.

VH(Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN