Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phục hồi hệ sinh thái lưu vực sông Hồng - Thái Bình

Thứ Năm, 14/03/2024 12:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 14/3, tại Hà Nội, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình”.

Sông Hồng đoạn chảy qua địa phận thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Tuấn Anh 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, Dự án do Cục Quản lý Tài nguyên nước phối hợp cùng với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc xây dựng, đã được Quỹ Môi trường toàn cầu phê duyệt đề xuất ý tưởng và kinh phí để chuẩn bị văn kiện Dự án vào tháng 6/2023.

Sau quá trình xây dựng văn kiện với sự phối hợp, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tác quốc tế, bản dự thảo văn kiện Dự án đã gần hoàn thành. Do đó, mục tiêu của Hội thảo này nhằm tạo cơ hội để các bên liên quan trao đổi, góp ý và thống nhất về các nội dung liên quan tới Dự thảo văn kiện, đáp ứng những mục tiêu mà Dự án đề ra.

 “Dự án được xây dựng phù hợp với ưu tiên về bảo đảm an ninh tài nguyên nước và bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, đồng thời phù hợp với tiêu chí và ưu tiên của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Cùng với đó, Dự án cũng được xây dựng với mục tiêu cốt lõi là tăng cường an ninh nguồn nước, giảm thiểu suy thoái hệ sinh thái, duy trì, nâng cao đa dạng sinh học và cải thiện khả năng phục hồi sinh kế trên lưu vực sông Hồng thông qua áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam, sau khi ý tưởng của Dự án được Quỹ Môi trường toàn cầu chấp thuận vào tháng 7/2023, FAO đã phối hợp cùng với Cục Quản lý Tài nguyên nước tập hợp đội ngũ các chuyên gia, tổ chức các hội thảo, các chuyến đi thực địa tại một số địa bàn tiềm năng cho việc triển khai Dự án và tham vấn ý kiến cộng đồng tại địa phương để hoàn thiện văn kiện Dự án.

Ông Alex Smajgl, Điều phối viên Dự án cho biết, Dự án sẽ thông qua 4 hợp phần kỹ thuật. Theo đó, Hợp phần 1, cải thiện an ninh nguồn nước thông qua tăng cường môi trường hỗ trợ cho việc phục hồi tổng hợp hệ sinh thái bằng cách thiết lập và hỗ trợ các nền tảng liên ngành và phát triển các công cụ (ví dụ như hạch toán nước dựa trên dòng chảy sử dụng dữ liệu bổ sung từ viễn thám) để hỗ trợ quá trình ra quyết định và xây dựng các giải pháp khuyến khích đổi mới đối với cộng đồng địa phương ở lưu vực sông Lô và sông Đà. Hợp phần 2, triển khai các cơ chế khuyến khích quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái nhằm kích thích đầu tư, tạo việc làm và đảm bảo sinh kế cho cộng đồng địa phương. Hợp phần 3, cung cấp các hoạt động xây dựng năng lực và phổ biến kiến thức. Hợp phần 4, tập trung vào giám sát và quản lý hiệu quả dự án, đồng thời cung cấp các đầu vào cho Chương trình tổng hợp phục hồi hệ sinh thái toàn cầu.

Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi một số vấn đề như: Quá trình tham vấn các bên liên quan, cơ chế triển khai dự án, thu thập các thư đồng tài trợ; kiến nghị cho các dự án kết hợp với kế hoạch của địa phương; tham vấn chuyên sâu với các địa phương trọng điểm được lựa chọn về các hoạt động cơ chế khuyến khích thí điểm; đề xuất các sáng kiến, mô hình dựa vào cộng đồng trong quản lý nước và bảo vệ hệ sinh thái.

 

Diệu Thúy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN