Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phú Thọ: Chủ động sản xuất, tiêu thụ nông sản trong tình hình mới

Thứ Sáu, 29/10/2021 10:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Phục hồi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bảo đảm linh hoạt, an toàn, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản... đang là nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra. Để thích ứng linh hoạt, an toàn, Phú Thọ đã xây dựng và triển khai kế hoạch phục hồi sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nông sản gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

 Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn đạt kết quả tốt. (Ảnh minh họa: Đức Minh)

Thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ tuy gặp nhiều khó khăn, song luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh; sự tích cực, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo và tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất và thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng và phát triển tương đối toàn diện.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi bùng phát dịch COVID -19, nhưng việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả tốt. Về sản xuất lúa đạt 60,3 nghìn ha, sản lượng 345,4 nghìn tấn. Trong đó: vụ Xuân 36,1 nghìn ha, sản lượng 218,4 nghìn tấn; vụ Mùa 24,2 nghìn ha, sản lượng ước đạt 127 nghìn tấn; sản xuất rau các loại ước đạt 14,8 nghìn ha, sản lượng ước đạt 231,4 tấn. Tổng sản lượng thịt hơi các loại 184 nghìn tấn (trong đó: Thịt lợn 131,5 nghìn tấn, thịt bò 7,81 nghìn tấn, thịt trâu 4,85 nghìn tấn và thịt gia cầm 39,84 nghìn tấn). Sản lượng trứng gia cầm ước cả năm đạt 420 triệu quả. Tổng sản lượng thủy sản đạt 41,7 nghìn tấn, trong đó sản lượng nuôi đạt 39,200 tấn, sản lượng khái thác tự nhiên 2.500 tấn...

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài và phức tạp, trong khi nông sản được thu hoạch theo mùa vụ nên rất cần sự chủ động của nông dân, doanh nghiệp trong điều chỉnh sản xuất, nỗ lực đa dạng kênh tiêu thụ đến sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nhất là từ chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh tình hình khó khăn của thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Kế hoạch đảm bảo sản xuất, tiêu thụ nông sản “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trong đó đã xây dựng phương án sản xuất, tiêu thụ nông sản theo cấp độ dịch.

Theo đó, đối với trường hợp thực hiện cấp độ dịch nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình: Đẩy mạnh phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh địa phương theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt để nâng cao chất lượng, giữ uy tín, thương hiệu cho nông sản của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển theo chuỗi liên kết gắn với thị trường chế biến, tăng tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng; nâng tối đa công suất chứa đựng tại các kho chứa, kho bảo quản nông sản như thóc, ngô...Tăng cường năng lực chế biến của các doanh nghiệp, phát huy tối đa công suất chế biến sản phẩm.

Ngoài ra, đối với trường hợp thực hiện cấp độ dịch nguy cơ cao và nguy cơ rất cao: Cần khoanh vùng sản xuất, có các biện pháp sản xuất an toàn dịch bệnh như: Sử dụng bảo hộ lao động, phun khử khuẩn cho các phương tiện vận chuyển nông sản…để sản phẩm đảm bảo an toàn nhằm tiêu thụ được thuận lợi; đối với cây trồng, vật nuôi đến lứa thu hoạch mà không thể kéo dài thời gian thì tiến hành thu hoạch sớm theo hướng “cuốn chiếu” từng khu vực để hạn chế tập trung đông người; nếu phải cách ly không được ra khỏi nhà thì đề xuất với chính quyền địa phương đề nghị lực lượng công an, quân đội hỗ trợ thu hoạch sản phẩm và bảo quản. Trong trường hợp có thể duy trì được thì kéo dài thời gian thu hoạch để tiện cho việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, giải pháp cũng được quan tâm là phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, tiêu thụ nông sản chủ lực có sản lượng lớn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với quan điểm tăng cường kết nối, đa dạng các kênh tiêu thụ; phối hợp với các địa phương trong tiêu thụ sản phẩm, không để tắc nghẽn, ùn ứ. Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục phối hợp với các Cục Quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các tỉnh, thành theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, để kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong tỉnh, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tiếp tục nắm bắt khó khăn, chủ động xây dựng các phương án và kế hoạch phù hợp tình hình mới bảo đảm thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương các tỉnh, thành phố triển khai giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm chuỗi cung cấp nông sản an toàn tỉnh, tới các hệ thống phân phối, cơ sở kinh doanh, siêu thị trên toàn quốc. Thiết lập và duy trì các kênh phân phối, giao dịch mua bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử, duy trì “đường dây nóng” hỗ trợ các đơn vị vận chuyển, tiêu thụ nông sản...

Song song với việc tăng cường công tác dự báo, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ cũng sẽ chủ động trong phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác, kịp thời, hiệu quả...

Phú Thọ cũng sẽ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, người nông dân trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường trong và ngoài tỉnh, giảm bớt tình trạng ùn ứ nông sản giai đoạn hiện nay.

Không thể phủ nhận rằng dịch COVID-19 đang tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản trong cả nước cũng như đối với tỉnh Phú Thọ. Song đây cũng là cơ hội để cả người sản xuất và doanh nghiệp tìm ra cách thức tiếp cận mới với đối tác, khách hàng, vừa bảo đảm phòng dịch, vừa tránh ùn ứ hàng hóa. Với các giải pháp sản xuất, tiêu thụ nông sản đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế, tỉnh Phú Thọ nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như người dân, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 của địa phương.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN