Phụ nữ dân tộc thiểu số với gánh nặng công việc gia đình
(ĐCSVN) - Không chỉ tham gia cùng nam giới trong quá trình lao động sản xuất để đảm bảo cuộc sống, phụ nữ còn bị trao thêm các chức trách khác trong công việc gia đình. Tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, gánh nặng công việc chăm sóc gia đình của phụ nữ và trẻ em gái càng nặng nề hơn.
Chị Lý Mùi Dất, sinh năm 1993, người dân tộc Dao ở thôn Khinh Hạ, xã Bình Lãng, huyện Thông Nông, Cao Bằng. Năm 2009, Dất nghỉ học lấy chồng. Dất bùi ngùi kể, cuộc sống rất khó khăn do đang ở cái tuổi “ăn chưa biết no, lo chưa biết tới” mà đã trở thành lao động chính ở nhà chồng, vừa phải lo sản xuất kiếm cái ăn, vừa phải làm nội trợ, trên có cha mẹ già, dưới có con thơ phải chăm sóc.
Gánh nặng công việc gia đình như trường hợp của Dất diễn ra phổ biến ở các hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nước ta. Nghiên cứu của PGS.TS. Đặng Thị Hoa - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, trong quan niệm truyền thống của các tộc người, sự phân công lao động theo giới tính được xác định rõ nét. Nam giới thường đảm nhiệm những công việc nặng nhọc như chặt cây, phát nương, cày đất, dựng nhà, rèn công cụ. Phụ nữ đảm nhiệm những khâu sản xuất quan trọng như gieo hạt, chăm sóc nương rẫy, trồng rau, thu hái, bảo quản nông sản, các công việc nội trợ, chăm sóc gia đình.
Thúc đẩy nam giới chia sẻ gánh nặng công việc gia đình trong cộng đồng người DTTS |
Như vậy, cùng tham gia với nam giới trong quá trình lao động sản xuất để đảm bảo cuộc sống nhưng phụ nữ còn bị trao thêm các chức trách khác trong công việc gia đình. Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi kém phát triển; thiếu các dịch vụ như trông trẻ, chăm sóc người già, người ốm; thiếu các thiết bị hỗ trợ nội trợ như nồi cơm điện, máy giặt, bếp ga… thì gánh nặng công việc chăm sóc gia đình của phụ nữ và trẻ em gái càng nặng nề hơn.
Số liệu của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) năm 2018 cho biết, có khoảng 5% trẻ em gái DTTS thường xuyên phải đảm nhận công việc đi lấy nước sinh hoạt trong hộ gia đình, so với tỷ lệ tương ứng của cả nước là 2%.
Những công việc mà phụ nữ, trẻ em gái phải đảm nhiệm trong gia đình là những công việc không được trả công, trả lương. Và theo kết quả điều tra, thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số năm 2019 thì bất bình đẳng giới vẫn còn khá rõ khi nữ DTTS chiếm tỷ trọng cao hơn nam DTTS ở những công việc có vị thế thấp hơn, “Lao động gia đình” không được trả công, trả lương chiếm tới 38,8%.
Điều đáng quan tâm là mặc dù nữ giới có vai trò “kép” trong gia đình, vừa cùng người đàn ông là nhân vật chính trong hoạt động sản xuất, vừa là người nội trợ, chăm sóc gia đình. Tuy thế, nhưng họ lại không phải là người có tiếng nói và đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến hoạt động sản xuất và nuôi dạy con cái.
Áp lực công việc lao động sản xuất và công việc nhà quá lớn khiến cho người phụ nữ không còn nhiều thời gian để nghỉ ngơi, giao tiếp với người ngoài để tăng thêm kiến thức xã hội cho mình. Vì thế, bản thân nhận thức của phụ nữ DTTS và cộng đồng người DTTS hiện vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề của định kiến và khuôn mẫu giới về phân công công việc trong gia đình. Theo đó áp đặt công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, người già, người ốm… trong gia đình là trách nhiệm, nghĩa vụ của phụ nữ.
Thúc đẩy nam giới chia sẻ gánh nặng công việc gia đình với phụ nữ DTTS là rất cần thiết. Về vấn đề này, TS. Trần Thị Hồng - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đề xuất cần đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi thái độ của cộng đồng về sự tham gia của nam giới vào các công việc gia đình. Bản thân nam giới khi nhận thức được giá trị công việc gia đình thì sẽ có trách nhiệm cao hơn trong việc chia sẻ công việc nhà với người phụ nữ.
Phụ nữ DTTS cũng cần có nhận thức đúng đắn về bình đẳng nam, nữ trong việc tạo thu nhập cũng như trách nhiệm chăm sóc gia đình; xóa bỏ tư tưởng định kiến việc nhà mặc nhiên là của người vợ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động nâng cao trình độ học vấn, cơ hội và khả năng tiếp cận việc làm cho phụ nữ DTTS, giúp phụ nữ tự tin hơn trong việc giao tiếp và tìm kiếm các cơ hội làm việc có thu nhập cao ngoài khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp tại chỗ.
Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khuyến nghị Nhà nước cần nghiên cứu phát triển các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả về chăm sóc người già, trẻ nhỏ và người ốm; dịch vụ cung cấp nước sạch tới các cụm dân cư ở vùng DTTS để giải phóng sức lao động cho phụ nữ DTTS./.