Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phong tục cưới hỏi của người Si La, tỉnh Lai Châu

Thứ Sáu, 10/06/2022 14:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Sinh sống lâu đời trên vùng đất tỉnh Lai Châu, đồng bào dân tộc Si La hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hoá đa dạng và đặc sắc, trong đó phong tục cưới hỏi là một biểu trưng văn hoá phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của người Si La.

Là một dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Si La có 848 người. Dân tộc Si La có tên gọi khác là Cú Dề Xừ, Khả Pẻ. Đồng bào sinh sống tập trung ở 3 bản Seo Hay, Sì Thâu Chải, Nậm Xìn thuộc huyện Mường Tè, Tỉnh Lai Châu với khoảng 600 người. Tiếng nói dân tộc Si La thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến.

Người Si La có cuộc sống gắn bó với sản xuất nông nghiệp, săn bắn hái lượm. Ở nhà trệt, có bếp lửa đặt giữa nhà. Trang phục khá độc đáo, ngực áo trang trí một miếng vải màu gắn đầy các đồng xu bạc, nhôm. Khăn đội đầu của phụ nữ khác nhau theo lứa tuổi. Phụ nữ thường đeo chiếc túi bằng dây rừng, trang trí những tơ đỏ sặc sỡ. Ngày nay người Si La đa số để răng trắng, nhưng theo tục cũ đàn ông nhuộm răng đỏ, đàn bà nhuộm răng đen.

Người Si La có nhiều dòng họ. Các dòng họ đều kiêng ăn thịt mèo. Quan hệ trong họ khăng khít, chặt chẽ. Trưởng họ là người đàn ông cao tuổi nhất, có vai trò quan trọng đối với các thành viên và có trách nhiệm tổ chức sinh hoạt chung của họ mình, đặc biệt là việc thờ cúng. Trong xã hội, ngoài trưởng họ, người Si La rất coi trọng các thầy mo.

Người Si La thực hiện nhiều lễ thức tôn giáo, quan trọng nhất là thờ cúng tổ tiên và cúng bản, có những kiên cữ gắn với việc làm nương. Đời sống của người Si La hiện còn khó khăn trong nuôi dưỡng trẻ thơ, bản làng giao thông cách trở, nền kinh tế và tập tục không theo kịp đà tiến bộ, cần được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức.

Trong các nghi lễ truyền thống của người Si La ở Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, đám cưới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong tập tục chu kỳ đời người được lưu truyền đến ngày nay. Đồng bào làm lễ cưới hai lần, lần thứ hai sau lần trước khoảng một năm. Nhà trai phải có khoản tiền cưới trao cho nhà gái mới được đón dâu về nhà mình.

 Trang trí cô dâu trong lễ cưới của người Si La, bản Seo Hay, xã Can Hồ (Mường Tè - Lai Châu).

Trong các nghi thức cưới hỏi của người Si La, để tiến tới hôn nhân, đồng bào trang trọng thực hiện các nghi lễ như: “dạm hỏi”, “dạm ngõ” và “lễ cưới”, trong đó “lễ cưới” là một nghi lễ đặc biệt. Trước ngày cưới, gia đình làm cơm mời bà mối - người có uy tín trong bản làng về giúp đỡ gia đình. Bà mối đảm nhận vai trò thay mặt gia đình nhà trai đến thưa chuyện, bàn bạc các công việc liên quan đến đám cưới với họ nhà gái như: ngày đón dâu, những lễ vật mà nhà gái yêu cầu nhà trai đáp ứng. Trong ngày cưới, bà mối lại là người chủ trì hôn lễ, giúp gia đình chuẩn bị lễ vật, xử lý các tình huống xảy ra trong ngày cưới, thực hiện các nghi lễ theo phong tục truyền thống.

Đến giờ lành, bà mối là người có uy tín với cộng đồng, có tài ăn nói, giao tiếp chuẩn bị lễ, dẫn đoàn nhà trai sang thưa chuyện với nhà gái, bàn công việc liên quan đến lễ cưới như: ngày đón dâu, lễ vật nhà gái...

Theo phong tục lễ cưới của người Si La lần thứ nhất, vào đúng ngày đã hẹn, chị hoặc em gái chàng trai sẽ đến nhà cô gái ngỏ lời xin dâu. Khi được nhà gái chấp thuận, nhà trai sang làm lễ đón dâu, mẹ hoặc chị cô dâu sẽ dắt cô ra và trao gửi nhà trai. Tiếp đó nhà trai sẽ tổ chức nghi thức lễ nhập gia cho cô dâu của người Si La. Khi đoàn về đến nhà trai, mọi người phải ngồi ngoài cửa nhà đợi bố mẹ chồng đưa trang sức, khăn áo mới cho cô dâu thay mới để vào nhà.

Trong Lễ cưới mỗi gia đình Si La có thầy cúng làm lễ cho đôi vợ chồng trẻ. Trong ngày đầu tiên ở nhà chồng đôi vợ chồng trẻ phải ngủ ở gian phía bên trái, chưa được vào buồng của mình. Lễ cưới lần thứ nhất đến đây đã xong. 

 Cô dâu và chú rể trong lễ cưới của người Si La.

Lễ cưới lần thứ hai diễn ra sau một năm sau, khi hai bên gia đình đã có đủ điều kiện tổ chức cho đôi vợ chồng trẻ. Lần này, vào ngày hẹn, gia đình nhà trai nhờ ông mối đưa đồ dẫn cưới như đã thỏa thuận sang nhà gái và chính thức xin cho cô dâu về ở hẳn nhà trai. Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ làm thủ tục lại mặt nhà gái. Lúc này, cha mẹ cô gái  mới tặng quà cho cô con gái đi lấy chồng.

Không gian đám cưới truyền thống của người Si La, tổng hoà nhiều phong tục, tập quán các loại hình dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống thể hiện qua những bài hát chúc phúc và những điệu múa cổ truyền vui nhộn, mang ý nghĩa mừng vui cho hai gia đình, cho đôi vợ chồng trẻ. Hoạt động dân gian này thẩm thấu những nét đẹp truyền thống đồng thời phản ánh tinh thần kết nối cộng đồng, làng bản, có ý nghĩa lớn lao trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Si La.

 

Bài ảnh: N.Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN