Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phòng ngừa “bà hỏa” từ sớm, từ xa

Thứ Bảy, 06/08/2022 10:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Không chỉ gây nên nỗi đau, sự mất mát, vụ cháy quán karaoke tại số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 1/8 làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng mất an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

  Các chiến sĩ cảnh sát PCCC&CNCH quận Cầu Giấy đang cố gắng dập tắt đám cháy tại quán karaoke ISIS số 231 Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Ảnh: Viết Niệm.

Thời gian qua, các vụ cháy trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra. Trong đó có nhiều những vụ cháy gây ra hậu quả rất đau lòng. Điển hình, vụ cháy ngày 21/4/2022 xảy ra tại nhà dân trên phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) làm 5 người chết và 2 người bị thương; vụ cháy vào ngày 4/2/2022 tại một phòng trọ ở ngõ 73, phố Tam Khương, phường Khương Thượng (quận Đống Đa) làm 4 thanh niên tử vong; hay vụ cháy năm 2021 ở 311 phố Tôn Đức Thắng, cũng thuộc quận Đống Đa làm cả 4 người sống trong căn nhà bị cháy đều thiệt mạng…

Trước đó là vụ cháy nhà xưởng ngày 12/4/2019 ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) khiến 8 người chết; tháng 7/2017, xưởng sản xuất bánh kẹo nằm ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) xảy ra hỏa hoạn cũng làm 8 người chết; đầu tháng 11/2016, cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) khiến 13 người chết;… Gần đây nhất là ngày 1/8/2022 xảy ra cháy quán karaoke số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi cứu thoát được 8 người ra ngoài an toàn, 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã hy sinh.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) - Công an TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn Hà Nội xảy ra 206 vụ cháy, 12 người chết, 10 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước tính 5,6 tỷ đồng, tăng 3 vụ, tăng 1 người chết so với cùng kỳ năm 2021.

Điều đáng nói là công tác PCCC vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, còn tình trạng một số chủ đầu tư không chấp hành những quy định về PCCC. Ngoài ra còn có tới hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp làm nhà ở riêng lẻ cũng khiến nỗi lo thường trực về cháy, nổ có thể ập đến bất cứ lúc nào. Do đó vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay, các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay để siết chặt công tác đảm bảo an toàn cháy, nổ.

Muốn thế, chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát PCCC & CNCH cần phối hợp đề cao hơn vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC và thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Trong đó, cần kiên trì đẩy mạnh truyền thông pháp luật, kiến thức về PCCC để chủ cơ sở, người lao động ý thức được sự nguy hiểm của cháy nổ mà tự giác thực hiện; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy xảy ra nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Đi kèm với đó là tăng cường kiểm tra, thường xuyên rà soát về an toàn phòng cháy và nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý rút giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động...

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH TP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh (quán bar, karaoke, khách sạn, massage, vũ trường,…) chỉ có duy nhất một lối để thoát nạn là cửa ra vào…Trong khi đó, nguy cơ cháy nổ ở các cơ sở kinh doanh có điều kiện nêu trên và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là câu chuyện không mới vì thực tế đã có nhiều vụ cháy nổ thương tâm xảy ra liên quan đến nhà ở dạng ống, nhỏ hẹp và tận dụng không gian nhà ở, sau đó cơi nới phục vụ sản xuất, kinh doanh và kho chứa… Vì vậy cần xem xét lại sự việc và khi phát hiện cơ sở không đủ điều kiện về PCCC thì ngoài việc người đứng đầu cơ sở là người phải chịu trách nhiệm thì đã đến lúc không nói chung chung mà cần xem xét từng khâu, từng lĩnh vực quản lý chuyên môn để truy trách nhiệm cụ thể.

Mặt khác, trong PCCC, yêu cầu lớn nhất là làm tốt công tác “bốn tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ: gồm tất cả người dân sinh sống trên địa bàn khu dân cư, mà nòng cốt là lực lượng dân phòng; phương tiện tại chỗ: là sự chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện phục vụ cho công tác cứu người, cứu tài sản..; vật tư và hậu cần tại chỗ: là sự chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí, các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Nếu phương châm này được toàn dân chú trọng, chung tay thực hiện nghiêm túc, đồng bộ thì công tác đảm bảo an toàn PCCC không còn là vấn đề khó giải quyết và việc hạn chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra là điều mà mỗi người dân đều có thể thực hiện được.

Đồng thời, các cơ quan chức năng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị buông lỏng an toàn về cháy nổ, tránh việc đổ trách nhiệm chung chung… Điều này cũng đã được UBND TP Hà Nội lưu ý tại Công văn số 2389/UBND-NC vừa mới ban hành về việc tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố… Công văn nhấn mạnh, các đơn vị, địa phương để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, Công an TP Hà Nội cần phối hợp Văn phòng UBND TP xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, đề xuất hình thức xử lý trong trường hợp có dấu hiệu buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý về công tác PCCC&CNCH.

Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu về kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC, nhất là việc vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chưa có "lối thoát nạn thứ 2" phải mở "lối thoát nạn thứ 2".

Kinh nghiệm cho thấy, để không rơi vào tình cảnh xót xa khi hỏa hoạn gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản rồi mới quan tâm đến PCCC, việc cần làm ngay đối với tất cả các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp là cần xác định rõ quan điểm không được chủ quan với “giặc lửa” và “phòng hỏa hơn cứu hỏa”. Do đó để sẵn sàng phương án phòng ngừa “bà hỏa” từ sớm, từ xa trong mọi tình huống, mỗi người dân hãy thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với vấn đề an toàn cháy nổ, có sẵn phương án chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần hạn chế các vụ cháy xảy ra từ nguyên nhân cũ nhưng để lại nỗi đau luôn mới, luôn xót xa.../.

Trung Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN