Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phòng bệnh mùa nắng nóng và cách phòng tránh

Thứ Tư, 17/04/2024 10:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Mùa hè năm nay thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nhiệt độ tăng hơn mọi năm, diễn ra trên diện rộng, là điều kiện để dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ, các bệnh như: sốt xuất huyết, tay -chân- miệng, sởi, cúm A, các bệnh lây theo đường hô hấp, tiêu hóa. Do đó, người dân cần chú trọng phòng bệnh mùa hè, không để bệnh lây lan thành dịch.

1. Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Mùa nóng, nhiệt độ môi trường phù hợp cho các vi sinh vật gây hại dễ dàng phát triển trong thức ăn thường ngày. Nếu không bảo quản đúng cách, người sử dụng rất dễ bị ngộ độc tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy, nôn ói, suy kiệt do mất nước… nhiều trường hợp còn có thể tử vong.

Vì vậy, người dân nên ăn chín, uống sôi, bảo quản các thực phẩm dễ ôi thiu trong tủ lạnh và sử dụng ngay sau khi chế biến, không để thực phẩm quá lâu ngoài môi trường nhiệt độ thường.

Virus là tác nhân có khả năng gây bệnh qua đường hô hấp 

2. Các bệnh truyền nhiễm

Thời tiết nắng nóng thường kèm theo mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu… phát triển. Để phòng tránh bệnh truyền nhiễm, người dân nên dọn dẹp, phát quang bụi rậm, xử lý các vùng nước đọng hoặc nơi chứa nước phải đảm bảo không để cho lăng quăng phát triển.

3. Bệnh cảm cúm

Bệnh cúm mùa là dịch bệnh nguy hiểm và có nguy cơ bùng phát mạnh. Đặc biệt với những đối tượng có sức đề kháng kém, không tiêm chủng đầy đủ vắc-xin thì bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh cúm mùa thường lây lan qua tuyến nước bọt, nước mũi/đờm của người bị bệnh với các triệu chứng như đau đầu, ngạt mũi, sốt, đau họng nhẹ.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa như đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh cúm hàng năm. Khi có triệu chứng cúm như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của các bác sĩ kê đơn.

4. Bệnh tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy cấp là do các loại vi trùng tả, thương hàn hay các loại virus đường ruột như rotavirus xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng. Tốc độ lây nhiễm của bệnh tiêu chảy rất nhanh nên dễ dàng trở thành dịch bệnh nguy hiểm. Người mắc bệnh tiêu chảy cấp thường có các triệu chứng như: nôn mửa, đi ngoài nhiều lần, mất nước, các triệu chứng này có thể dẫn đến trụy mạch, thậm chí là tử vong nếu không kịp thời bổ sung nước cho cơ thể.

5. Bệnh viêm đường hô hấp

Việc thay đổi đột ngột từ môi trường sử dụng điều hòa mát lạnh sang môi trường nóng bên ngoài hoặc ở trong môi trường máy lạnh quá lâu khiến các niêm mạc đường hô hấp bị khô dễ gây nên các bệnh lý cho đường hô hấp như: viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản cấp và nặng hơn có thể gây viêm phổi…

Để phòng tránh các bệnh trên, chúng ta cần duy trì nhiệt độ máy lạnh trong phòng chênh lệch ít so với môi trường, đồng thời hạn chế di chuyển từ trong phòng lạnh ra trời nóng quá nhiều trong ngày. Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp hay sử dụng quạt hướng thẳng vào người. Bổ sung nước đầy đủ trong ngày luôn là điều cần thiết trong mọi trường hợp.

6. Bệnh về da

Việc tiếp xúc nhiều với nắng nóng có thể gây nên sạm da, bỏng nắng, gây lão hóa da sớm và thậm chí có thể gây ung thư da. Đồng thời, mùa nóng cũng làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi dễ gây nên các bệnh về da như rôm sảy, viêm lỗ chân lông, viêm da dị ứng…

Người dân khi ra đường cần sử dụng kem chống nắng, uống đủ nước, che chắn kín để tránh các bệnh lý về da.

7. Bệnh tim mạch

Nắng nóng gay gắt thường không có lợi cho tim. Tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Máu bị đặc lại do mất nước, có thể gây ra tình trạng thiếu oxy, bất tỉnh, nhồi máu hay đột quỵ. Đặc biệt là ở những người lớn tuổi.       

Những người có bệnh tim phải sử dụng thuốc đều đặn theo đơn của bác sỹ, luôn mang theo người thuốc hạ huyết, hạn chế vận động khi trời nóng, mang mũ khi đi nắng, giảm các thức ăn nhiều mỡ và nên uống nhiều nước. Cẩn thận khi tắm nước lạnh, đặc biệt với người bị chứng co thắt mạch.

Hầu hết bệnh mùa nóng thường không đáng sợ nhưng nếu người bệnh chủ quan, không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển hướng xấu, trầm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì thế người dân cần hết sức lưu ý theo dõi sức khỏe của bản thân mình, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

PN (Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN