Phổ cập hạ tầng số, tạo động lực tăng trưởng kinh tế
(ĐCSVN) - Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề: "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".
Ngày 29/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị |
2024 là năm phổ cập hạ tầng số
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chương trình chuyển đổi số quốc gia ở nước ta đã triển khai được 4 năm. Năm đầu tiên 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc để phòng chống COVID-19. Năm 2022 là năm "tổng tiến công" với sự phát triển của các nền tảng số dùng chung quốc gia của Việt Nam. Năm 2023 là năm dữ liệu số. Đến nay, đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, vừa giúp tăng trưởng GPD, vừa tăng năng suất lao động. 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Hạ tầng số của Việt Nam dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Mặt trận chính của báo chí, truyền thông là không gian mạng
Theo Bộ trưởng, 2024 cũng là năm báo chí, xuất bản, truyền thông coi không gian mạng là mặt trận chính, với quan điểm vừa chuyển đổi số báo chí, vừa bảo đảm không gian mạng lành mạnh; xử lý thông tin xấu độc trên mạng; quản lý các nền tảng số xuyên biên giới và hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam
2024 là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là phải được làm từ nhà, từ xa, người dân không cần đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. Dịch vụ công thực chất là phải có ít nhất 70% người dân sử dụng. Năm 2023, một số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực chất đã được thực hiện; thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin, quyết tâm thực hiện mạnh mẽ trong 2024 để kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử, chính thức bắt đầu thực hiện Chính phủ số tại Việt Nam.
Năm 2024 sẽ ứng dụng mạnh mẽ AI
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 2024 sẽ là năm thực hiện mạnh mẽ ứng dụng AI, trợ lý ảo. Ứng dụng AI càng nhiều dữ liệu càng thông minh nên việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ, nhiều văn bản, nhiều quy định hãy để cho AI thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt, chuyển việc vất vả, tốn thời gian cho AI, giải phóng con người làm những việc thú vị hơn.
Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề: "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".
Cụ thể, kinh tế số được phát triển theo 4 trụ cột lớn; ứng dụng AI và trợ lý ảo để giảm tải và tăng năng suất, chất lượng cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động. Báo chí, xuất bản, truyền thông sẽ lấy không gian mạng làm "trận địa" chính để phản ánh "dòng chảy" của xã hội hiện nay, lan tỏa năng lượng tích cực, quản lý không gian mạng lành mạnh, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng...
Thay đổi tư duy, cách làm để tạo bứt phá về thông tin và truyền thông
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, năm 2023, vượt qua mọi khó khăn, dù kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa được như kỳ vọng nhưng cũng đủ để "ấm lòng", tiếp tục dấn bước sang năm 2024, có thể kể đến một số lĩnh vực tiêu biểu như ngoại giao, nông nghiệp,... đặc biệt là chuyển đổi số. Có được bước phát triển về chuyển đổi số như vậy, có vai trò rất lớn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thay mặt Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực của Ngành trong năm 2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị. |
Theo Phó Thủ tướng, Thông tin và Truyền thông là ngành liên quan rất nhiều lĩnh vực cần có tri thức, cách làm hiện đại như: trí tuệ nhân tạo, chat GPT... tiếp cận rất gần với thế giới bên ngoài. Đây cũng là ngành quản lý "quyền lực mềm" - lĩnh vực truyền thông báo chí. Nhưng càng quan trọng, càng đối diện với nhiều áp lực.
"Chuyển đổi số vừa là mục tiêu vừa là động lực. Các bộ, ngành, địa phương đều cần, muốn chuyển đổi số và bị áp lực chuyển đổi số. Chuyển đổi số là "cứu cánh" trong cải cách hành chính và hướng đến các năm 2030, 2045 phải "đi tắt đón đầu" thông qua chuyển đổi số. Thêm nữa, thế giới hiện đang phát triển lớn mạnh, nếu không kịp thời cập nhật sẽ bị bỏ lại, vì vậy cần thường xuyên cập nhật các công nghệ mới, để đến gần với thế giới hơn nữa. Bên cạnh đó, kết quả năm 2023 cho thấy tốc độ tăng trưởng chuyển đổi số gấp 3 lần GPD. Trong lĩnh vực truyền thông, báo chí đòi hỏi phải phản ứng nhanh trước các thông tin xấu độc, gây ảnh hưởng lớn, nếu không kịp thời xử lý sẽ gây ra tác động khôn lường... Đây chính là một áp lực lớn đối với ngành Thông tin và Truyền thông - Phó Thủ tướng nhận định.
Thể hiện sự tâm đắc với câu nói của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Đối với những việc khó phải có cách tiếp cận và cách xử lý khác", Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết phải thay đổi tư duy, suy nghĩ, cách làm và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp. Đây là việc làm không dễ, có thể kể đến ba cách thực hiện gồm: tạo sự hứng khởi để mọi người làm theo; vận động thuyết phục; yêu cầu thực thi bằng các quy định.
Phó Thủ tướng cho rằng: Thể chế có những quy định tạo thuận lợi nhưng cũng còn quy định là rào cản. Ngoài việc xây dựng thể chế, còn phải sửa các quy định không hợp lý. Cần làm nhanh, kịp thời và phải hết sức chuẩn mực, sửa chữa những quy định chưa hợp lý. Đối với các lĩnh vực đặc biệt cần có những cơ chế đặc thù.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành Thông tin và Truyền thông tuyệt đối không chủ quan trong quản lý báo chí truyền thông. Theo đó, từng bước chấn chỉnh, tiến tới chấm dứt các sai phạm của báo chí; nâng cao sức mạnh cạnh tranh trong sức ép truyền thông đa phương tiện, giúp phóng viên báo chí "sống" và trụ được với nghề. Đặc biệt, thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 để hoàn thành việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí. Cùng đó, quan tâm nhiều hơn đến xuất bản sách, bởi sách luôn có giá trị trong đời sống xã hội.
Phó Thủ tướng lưu ý, mỗi cán bộ, người lao động ngành Thông tin và Truyền thông cần chú ý "tử tế" với công việc (nghiêm túc, tận tâm, trách nhiệm); "tử tế" với đối tượng quản lý (chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ); "tử tế" với đối tác (các bộ, ngành, địa phương). Đặc biệt với người đứng đầu cần "tử tế" với đồng chí, đồng nghiệp, "tử tế" với những người thuộc quyền... để mọi người cùng chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm, toàn tâm, toàn ý với công việc. Phó Thủ tướng lưu ý: Hệ thống pháp luật có thể chồng chéo, bất cập nhưng mỗi người vẫn phải thượng tôn pháp luật.
Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ luôn đồng hành cùng ngành Thông tin và Truyền thông hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Một số kết quả nổi bật của ngành Thông tin và Truyền thông trong năm 2023: Doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022. Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022. Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa XV thông qua. Sau 14 năm, ngành TT&TT có 2 Luật được ban hành trong một năm. Ngành TT&TT đã triển khai thử nghiệm 5G tại 59 tỉnh, thành; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G lên đến 99,8%. Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện. Riêng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số có những bước tiến mạnh mẽ. Doanh thu của lĩnh vực đạt 142 tỷ đô la với tỷ lệ giá trị Việt Nam chiếm 28,7%. Khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022). Năm 2023 cũng là năm đổi mới cách tiếp cận về bảo vệ người dân trên không gian mạng. Gần 125 nghìn nguồn website đã được thiết lập và kết nối, tích hợp với các giải pháp an toàn thông tin mạng. |