Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phổ cập bơi lội trong nhà trường: Giảm thiểu tối đa tai nạn đuối nước ở trẻ em

Thứ Ba, 19/04/2016 18:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hiện đang vào đầu mùa hè - thời điểm nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt là hoạt động bơi lội của trẻ em tăng cao do thời tiết nóng nực. Tuy nhiên, cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm luôn rình rập tính mạng của trẻ, do vậy môn bơi lội cần sớm được phổ cập rộng rãi, bắt buộc như một môn học trong các nhà trường, để ít nhất cũng trang bị cho trẻ thêm một kĩ năng sống sót khi gặp trường hợp nguy cấp.

Phổ cập bơi lội trong nhà trường là trang bị cho trẻ thêm một kỹ năng sống. (Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn)

Từ nhiều năm trước, đã có ý kiến cho rằng cần có quy định bắt buộc đến một lứa tuổi nào đó (ví dụ tốt nghiệp Tiểu học hoặc THCS) học sinh cần phải biết bơi và có chứng nhận cho môn học này. Đây là ý tưởng có tính thực tiễn rất cao, nên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngành giáo dục.

Ngày 09/02/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chỉ đạo “Về việc triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học giai đoạn 2010 – 2015” trên tinh thần thực hiện Chương trình phối hợp liên ngành về phòng, chống đuối nước cho học sinh, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.

Theo tinh thần, nội dung công văn trên, ngành giáo dục đã xác định được vị trí, vai trò của việc dạy bơi là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc hạn chế tử vong do đuối nước gây ra đối với học sinh và đặt ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn từ 2010 – 2015 cơ bản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai được mô hình thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương.

Chủ trương trên là hoàn toàn đúng đắn và có tính thực tiễn cao, tuy nhiên đã 6 năm trôi qua, việc triển khai chương trình này có vẻ còn nặng nề về hình thức “thí điểm”, và tình trạng đuối nước ở trẻ em nước ta hiện nay vẫn rất đáng báo động, khiến xã hội không khỏi bức xúc. Vụ đuối nước thương tâm khiến 9 học sinh tử vong tại sông Trà Khúc, thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) ngày 15/4 vừa qua là một ví dụ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì so với các nước phát triển, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần. Trên 50% trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Hơn nữa, tỷ lệ tai nạn tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Tai nạn đuối nước gia tăng nhất là vào mùa hè và mùa mưa lũ đang thực sự là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em nói chung.

Theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Gần như ngày nào trên báo chí cũng có những thông tin về tai nạn đuối nước ở trẻ em, đặc biệt là trong những tháng nghỉ hè và những dịp nghỉ lễ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn do đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu vẫn là do sự chủ quan trong quản lý học sinh của một số nhà trường, sự lơ là của một bộ phận phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên của nước ta nhiều sông, suối, ao, hồ, hệ thống kênh rạch chằng chịt, đang là môi trường thiếu an toàn cho trẻ em. Chỉ một vài giây sao nhãng của người lớn là trẻ em có thể rơi xuống ao, hồ, sông, suối…, có thể bị ngạt và chết đuối.

Tình trạng trẻ không biết bơi, thiếu các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi đi tắm ở biển, sông, suối, ao, hồ cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ. Từ đó đang đặt ra một vấn đề bức thiết hiện nay, đó là chúng ta cần sớm triển khai mạnh mẽ chương trình phổ cập môn bơi lội vào các nhà trường (đặc biệt cấp Tiểu học và THCS) như môn học bắt buộc.

Việc đưa bơi lội vào giảng dạy trong trường học sẽ tạo ra sân chơi bổ ích, hấp dẫn, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe và tăng cường kỹ năng sống; giúp các em tích cực, chủ động thích nghi với đặc điểm tự nhiên của địa phương; vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện vừa góp phần tạo nền tảng vững chắc để phát triển phong trào thể dục thể thao trong nhà trường.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc do đuối nước gây ra và hạn chế tử vong do đuối nước đối với trẻ em, cũng cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình, nhà trường, đi đôi với tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong cộng đồng về tai nạn đuối nước.

Đặc biệt, đối với các bậc phụ huynh, phải hết sức nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, biển mà không có người lớn đi cùng trông nom. Mỗi gia đình cần phối hợp với nhà trường để quản lý chặt chẽ con em mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh trốn học hoặc lợi dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ để đi tắm ao, hồ, sông, biển, hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn. Các địa phương cần có những cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực dễ gây tai nạn do đuối nước cho trẻ em.

Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đuối nước để khi xảy ra trường hợp đuối nước áp dụng kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định về an toàn phòng, chống đuối nước tại cộng đồng, đầu tư ngân sách địa phương và có kế hoạch xây dựng các bể bơi, hồ bơi cho trẻ để hạn chế tình trạng đuối nước xuống mức thấp nhất. Phải coi phòng, chống đuối nước là trách nhiệm của toàn xã hội. Cha ông ta đã từng dạy: “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”. Đây chính là một câu tục ngữ ẩn ý sâu xa, nói về kỹ năng tồn tại của con trẻ trong một đất nước nhiều sông, hồ, ao, suối mà ngày nay soi vào thực tại chúng ta vẫn thấy còn nguyên giá trị và ý nghĩa./.

Trần Quang Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN