Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Phí giữ chỗ”...!?

Thứ Năm, 12/07/2018 17:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Các trường cho rằng họ không ép, phụ huynh tự nguyện nộp phí là cách nói không đúng thực tế. Không ai muốn bỏ ra số tiền hàng triệu, thậm chí gần chục triệu đồng gửi kèm hồ sơ để nếu rút có thể mất tiền...

Ảnh minh họa. (Nguồn: vov.vn)

Năm học 2018 - 2019, số học sinh thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội đông kỷ lục, tới gần 94.500, tăng hơn 18.700 em so với năm ngoái. Với chỉ tiêu 63.050, toàn thành phố có khoảng 31.900 em phải vào các trường tư thục hoặc học trường nghề, giáo dục thường xuyên.

Một số phụ huynh sau kỳ thi đã nộp hồ sơ cho con vào các trường dân lập. Nhiều trường yêu cầu phụ huynh phải nộp khoản phí giữ chỗ, phí ghi danh… với mức thu từ 1 triệu đến gần chục triệu đồng tùy theo trường.

Khi Sở Giáo dục và Đào tạo công bố điểm chuẩn, biết con đỗ vào trường công lập, phụ huynh rút lại hồ sơ từ các trường dân lập thì nhiều trường không trả lại khoản tiền gọi là phí giữ chỗ, phí ghi danh đã nộp, có trường chỉ trả lại một phần.

Lý lẽ của các trường dân lập là khoản tiền đó nhằm hạn chế hồ sơ ảo, để phụ huynh và học sinh cân nhắc cẩn thận trước khi nộp hồ sơ vào trường. Đó cũng có thể coi là “thỏa thuận dân sự”, trường đặt ra quy định nhưng không ép, phụ huynh nộp hồ sơ, nộp tiền là hoàn toàn tự nguyện. Có trường coi đó như tiền “đặt cọc”, bên không thực hiện thỏa thuận thì phải mất số tiền đã “đặt cọc”.

Tuy nhiên, xem xét cho kỹ thì lý lẽ của các trường không “thấu lý” và cũng không “đạt tình”.

Về lý, phải xem việc thu “phí giữ chỗ” ấy của các trường có được pháp luật cho phép hay không? Trong Luật Giáo dục và trong Nghị định số 69/2008 của Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đều không có khoản phí này.

Do pháp luật không có khoản thu “phí giữ chỗ” trong tuyển sinh nên dù gọi là “thỏa thuận dân sự” hay “hợp đồng đặt cọc” thì cũng là trái luật. 

Các trường cho rằng họ không ép, phụ huynh tự nguyện nộp phí là cách nói không đúng thực tế. Không ai muốn bỏ ra số tiền hàng triệu, thậm chí gần chục triệu đồng gửi kèm hồ sơ để nếu rút có thể mất tiền. Việc nộp tiền là tình thế bắt buộc, không thể coi đó là sự tự nguyện.

Một trong những nguyên tắc của giao kết hợp đồng dân sự là tự nguyện, không bị ép buộc. Vi phạm nguyên tắc cơ bản này thì hợp đồng được coi là vô hiệu. Ở đây, nếu không nộp theo khoản phí nhà trường đưa ra thì không được nhận hồ sơ, đó chẳng phải ép buộc hay sao?

Vì thế, không có cách nào khác, các trường dân lập nên và phải trả lại cho phụ huynh khoản phí giữ chỗ đã nhận.

Vấn đề đặt ra là Sở Giáo dục và Đào tạo phải có biện pháp để năm sau không lặp lại vấn đề khúc mắc tuyển sinh như năm nay. Đó có thể là tổ chức tuyển sinh nhanh gọn hơn, công bố điểm sớm hơn, tạo điều kiện để các trường ngoài công lập được xét tuyển, tuyển sinh sớm hơn trường công lập.  Bên cạnh đó là có sự giám sát, kiểm tra, hướng dẫn kịp thời để các trường tuyển sinh được thuận lợi và đúng quy định. Các trường phải công bố điểm chuẩn và tuyển theo điểm chuẩn. Nếu muốn tuyển sinh thêm, trường chỉ có thể hạ điểm chứ không được phép tăng. Việc tuyển sinh sẽ kết thúc ngay sau khi tuyển đủ… Đó là những biện pháp chấn chỉnh tình trạng phức tạp của năm nay.

Những vấn đề liên quan đến việc thi chuyển cấp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua khiến học sinh và phụ huynh phải đối diện với áp lực hết sức nặng nề, mệt mỏi. Điều đó đặt ra trách nhiệm đối với chính quyền và ngành Giáo dục địa phương phải giải quyết một cách tích cực và triệt để. Không giải quyết được tình trạng này, ngành Giáo dục sẽ mất điểm về sự chậm đổi mới!

Thái Vũ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN