Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng
(ĐCSVN) - Tỉnh Lâm Đồng có 77/111 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số. Thời gian qua, địa phương luôn ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa; tạo thêm động lực để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, từng bước đẩy lùi đói nghèo và có đời sống ngày một cao hơn.
Với những giải pháp, cách làm đúng hướng, đến nay kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng đã có những thay đổi tích cực, bộ mặt nông thôn tiếp tục đổi mới, khang trang |
Nâng cao ý thức tự vươn lên
Tại huyện Di Linh, nhiều năm qua các cấp uỷ, chính quyền địa phương đi đôi với tập trung các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội thì công tác xoá đói giảm nghèo luôn được khuyến khích, hỗ trợ để mỗi hộ gia đình tự thân vươn lên.
Ở xã Đinh Trang Thượng, với chủ trương “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, lãnh đạo và các thôn, buôn hằng năm chủ động rà soát hộ nghèo, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng hộ gia đình để tìm giải pháp giúp các hộ vươn lên.
Nói về chủ trương này, đồng chí Ksor Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh chia sẻ: Xã có gần 100% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc sát sao từng hộ dân sẽ vừa kịp thời động viên, giúp bà con nâng cao nhận thức, phát huy tính tự lực tự cường; đồng thời qua đó cũng giúp cho việc thoát nghèo trên địa bàn xã được thực hiện đúng theo nguyện vọng mong muốn của cấp uỷ, chính quyền và người dân địa phương.
“Các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến thôn, buôn luôn tích cực vận động, rà soát các hộ nghèo. Các đơn vị, địa phương phân công cán bộ đến nắm bắt hoàn cảnh và đời sống kinh tế các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trên cơ sở đó để tham mưu, đề xuất giải pháp hỗ trợ, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Hộ nào có đất đai, nhưng không có vốn, không áp dụng được khoa học kỹ thuật thì chính quyền sẽ phân công từng đảng viên để hỗ trợ cụ thể hộ đó. Địa phương cũng liên hệ với ngân hành chính sách để hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi giúp các hộ làm ăn, phát triển kinh tế” - đồng chí Ksor Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết.
Nhiều giải pháp thiết thực để thoát nghèo
Không chỉ có Đinh Trang Thượng, nhiều địa phương khác ở huyện Di Linh đều có nhiều giải pháp thiết thực sau khi khảo sát, nắm rõ hoàn cảnh và nguyên nhân mà các hộ gia đình gặp khó khăn, nghèo đói. Theo UBND huyện Di Linh, thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ quỹ “Vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện đã ban hành Quyết định 4315 phê duyệt Đề án thực hiện mô hình giảm nghèo trên địa bàn. Với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng, đề án này thực hiện hỗ trợ không hoàn lại cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít đất sản xuất, nhưng có ý chí vượt khó, tự lực vươn lên để thoát nghèo. Cụ thể như mô hình trồng dâu nuôi tằm, các hộ dân muốn tham gia sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ không hoàn lại 8 triệu đồng/hộ để mua cây giống, tằm giống và phân bón. Do giá kén tằm thời gian qua luôn ở mức cao nên tất cả những hộ tham gia mô hình này đến nay đều đã thoát nghèo bền vững.
Anh K’Tơm - một người dân xã Đinh Trang Thượng cho hay, từ khi gia đình anh được hỗ trợ vốn để trồng dâu nuôi tằm thì đời sống đã cải thiện hơn, công sức cũng nhàn hơn, dễ hơn so với trồng cà phê. Theo anh K’Tơm, không chỉ mỗi anh mà nhiều hộ khác ở cùng xã với anh do có ít đất sản xuất nên nhiều năm trước đời sống rất khó khăn; sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay ưu đãi để trồng dâu nuôi tằm, giờ nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên mở rộng sản xuất và có đời sống khấm khá rất nhiều.
Đậu Hà Lan là một trong những loại cây trồng được Lâm Đồng thay thế theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao |
Song song với việc hỗ trợ người dân đầu tư vào sản xuất, các địa phương tại Lâm Đồng còn đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái, cây công nghiệp cho năng suất và giá trị cao, phù hợp với xu thế thị trường, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm lẫn thu nhập cho người dân.
Theo đại diện ngành Nông nghiệp huyện Lạc Dương, nhận thấy cây đậu Hà Lan rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường loại cây này đang rất cao; trong khi đó chi phí ban đầu bỏ ra khi đầu tư cho cây trồng này là tương đối thấp. Bình quân mỗi sào đậu Hà Lan chi phí từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch là 1 tháng rưỡi; người trồng chỉ phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng nhưng có thể thu được 18 đến 20 đợt; trung bình mỗi đợt thu hoạch khoảng 80 ký. Với giá bán đang ở mức hơn 60 nghìn đồng/ký như hiện nay thì sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng có lãi gần 80 triệu đồng. Chính vì thế, mô hình trồng đậu Hà Lan đang được nhiều người dân và ngành nông địa phương rất chú ý, tích cực nhân rộng để nâng cao thu nhập cho nông dân.
Chị Kơsă K’Liêm - một nông dân xã Đa Nhim (huyện Lạc Dương) cho biết, trước đây gia đình chị trồng cà phê nhưng do mưa đá đã làm thiệt hại nặng, mất thu nhập. Để có thu nhập ổn định hơn, chị quyết định chuyển sang trồng cây ngắn ngày là đậu Hà Lan. “Khi bắt tay vào trồng đậu Hà Lan, tôi bỏ ra số vốn đầu tư không nhiều chỉ khoảng 30 triệu đồng, nhưng hiện tại tôi đã thu hơn số tiền mà mình đã đầu tư. Tôi thấy kinh tế gia đình ổn định hơn rất nhiều so với trồng cà phê” - chị Kơsă K’Liêm cho hay.
Nông dân Lâm Đồng làm nhà kính trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất
Ngoài các cách làm trên, thời gian qua tỉnh Lâm Đồng cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, địa phương đã tập trung vào việc tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân, giúp bà con không chỉ nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, mà công sức lao động và chi phí đầu tư cũng tiết giảm đáng kể, giúp cho thu nhập của người dân từng bước được nâng lên.
Anh Liêng Hot Ha Linh (xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương) chia sẻ: “Trước đây, do làm ngoài trời thời tiết khắc nghiệt, mưa gió thất thường nên hoa rất dễ hư. Vì thế, mình đã mạnh dạn bỏ ra hơn 500 triệu đồng để làm nhà kính trồng hoa. Từ khi làm nhà kính mình không phải lo về thời tiết nữa, mà chỉ tập trung cho việc chăm bón theo định kỳ; thời gian còn lại làm việc khác, hiệu quả kinh tế mang lại khiến mình rất hài lòng, gấp 2- 3 so với ngoài trời”.
Tại Lâm Đồng, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số sẵn sàng bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng để đầu tư vào sản xuất như anh Ha Linh không còn là chuyện hiếm hoi ở tỉnh này hiện nay. Đây là minh chứng rõ nét nhất về sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân, nhận thức của bà con đã thực sự nâng cao. Nhiều hộ không chỉ đầu tư nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động… mà còn biết tìm tòi, áp dụng những công nghệ giống mới vào sản xuất.
Diện mạo đời sống nông thôn đã có những đổi thay
Nhờ những đầu tư thiết thực như kể trên, đến nay nhiều vùng nông thôn, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đã có những thay đổi đáng kể. Điển hình như tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, theo ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã, những năm trước, Đa Nhim là xã nghèo thuộc diện 30a, nhưng đến nay xã đã có rất nhiều đổi thay. Tổng diện tích canh tác là 2.700 ha, diện tích chuyển đổi từ cà phê già cỗi sang rau hoa cho giá trị kinh tế cao là 800ha. Từ năm 2016 đến nay, đời sống của bà con có rất nhiều đổi thay, bộ mặt nông thôn của Đa Nhim ngày càng đổi mới. Nếu như năm 2016 thu nhập là 38 triệu đồng/người/năm, nhưng đến nay đã đạt 56 triệu đồng/người/năm.
Nghị quyết số 21 đang tạo đòn bẩy giúp nông nghiệp Lâm Đồng phát triển toàn diện và bền vững. |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, xác định rõ ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên từ cuối tháng 10 năm 2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 21 về “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp tăng từ 4,5 – 5%/ năm. Thu nhập của người dân đạt 74 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2020. Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 21 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, nhất là tại các vùng dân tộc thiểu số… sẽ tạo nên đòn bẩy, giúp những địa phương này phát triển toàn diện và bền vững. "Nông nghiệp Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại. Toàn diện tức là các vùng sinh thái của Lâm Đồng sẽ tiến hành nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp về công nghệ, nhất là công nghệ thông minh. Tất cả điều này nhằm thực hiện mục tiêu thu nhập của người dân Lâm Đồng sẽ tăng cao hơn so với giai đoạn trước” - đồng chí Phạm S nhấn mạnh và thông tin thêm: Song song với những giải pháp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tỉnh Lâm Đồng còn đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là đường giao thông nông thôn và coi đây là giải pháp căn cơ, tạo nên động lực để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Rõ ràng, với những bước đi phù hợp, nhất là việc sâu sát, nắm rõ hoàn cảnh và nguyên nhân khó khăn của từng hộ dân và cùng với việc dựa vào lợi thế của từng vùng, từng địa phương để đưa ra những giải pháp phù hợp trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang khẳng định hướng đi đúng đắn tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Đồng thời với đó, thành quả mang lại trong công tác xoá đói, giảm nghèo ở địa phương thời gian qua rất đáng trân trọng, góp phần làm thay đổi nhận thức của mỗi hộ dân trong việc phấn đấu vươn lên; góp phần tạo diện mạo mới cho kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số địa phương này. Thống kê của Lâm Đồng cho hay, đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chỉ còn 1,94%; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn hơn 4.500 hộ, chiếm tỉ lệ 5,65%./.