Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát triển văn hóa đọc đối với thanh, thiếu niên trong kỷ nguyên số

Thứ Năm, 11/11/2021 22:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 11/11, tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo "Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số" nhằm đánh giá thực trạng nhu cầu, xu hướng đọc của thanh, thiếu niên trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0.

Hình ảnh tại hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN 

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định "xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế". Để thực hiện định hướng quan trọng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong thanh, thiếu niên.

Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định: Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng, phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngành thư viện nói riêng, văn hóa đọc của thanh niên, thiếu niên có nhiều thay đổi, cần có những nhận diện thấu đáo để từ đó kiến nghị xây dựng chính sách thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số.

Hội thảo "Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số" góp phần tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và người hoạt động thực tiễn cùng trao đổi để xác định các giải pháp góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung, thanh, thiếu niên nói riêng trong kỷ nguyên số. Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá thực trạng nhu cầu, xu hướng đọc của thanh, thiếu niên trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin. Từ đó xác định hạn chế, khó khăn và nguyên nhân để tìm giải pháp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh, thiếu niên trong kỷ nguyên số, nhằm đưa văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Nhiều tham luận đã được trình bày tại hội thảo như: "Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số", "Hội Người mù Việt Nam với công tác tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên khiếm thị trong kỷ nguyên số", "Thư viện với việc tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho tuổi trẻ quân đội trong kỷ nguyên số", "Sáng kiến xây dựng một số mô hình khuyến học hiệu quả trong tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0"…

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của khoa học công nghệ, của internet, mạng xã hội (Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok…) phát triển nhanh chóng đã và đang ảnh hưởng lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Trong đó, có sự thay đổi trong nhận thức, hành động và thói quen tìm hiểu, học hỏi, khám phá thế giới thông qua đọc sách. Nhận thức rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa của văn hóa đọc, những năm qua, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh luôn xác định việc tuyên truyền và phát triển văn hóa đọc đối với thanh niên là một giải pháp quan trọng trong trước mắt và lâu dài. Thời gian qua, Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy văn hoá đọc trong thanh, thiếu nhi, tuyên truyền, giáo dục về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đọc với việc bồi đắp nhân cách, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy cho thanh, thiếu nhi… 

Từ những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ban tổ chức sẽ tập hợp, tiếp thu và xác định lộ trình để tiến tới xây dựng phương hướng quản lý nhà nước mới trong lĩnh vực thư viện, để có bước đi phù hợp trong việc thúc đẩy tuyên truyền, phát triển văn hoá đọc trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên.

 

Phương Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN