Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển TP Đà Nẵng
(ĐCSVN) – Tọa đàm là dịp để lãnh đạo TP Đà Nẵng lắng nghe các ý tưởng, giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ từ các đơn vị quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách cũng như tập trung đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực quan trọng này.
Đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu khai mạc Toạ đàm. |
Chiều 16/5, Thành uỷ Đà Nẵng và UBND thành phố, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức Toạ đàm với chủ đề “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến”. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: TP Đà Nẵng có diện tích tự nhiên không lớn nhưng là TP động lực của miền Trung, có nhiều cơ quan, đơn vị của Trung ương, địa phương, các đơn vị nghiên cứu đóng chân trên địa bàn. Đà Nẵng tập trung nhiều trường Đại học (có 12 trường), trường kỹ thuật đang hoạt động; riêng Đại học Đà Nẵng có hơn 110 Giáo sư, Phó Giáo sư; 450 Tiến sỹ; bên cạnh đó hằng năm đào tạo cho Đà Nẵng hàng ngàn sinh viên, công nhân kỹ thuật có chất lượng cao. Đội ngũ trí thức của TP tăng nhanh qua từng năm.
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KHCN) đối với sự phát triển của TP, trong những năm qua Lãnh đạo TP đã có nhiều quan tâm đến hoạt động của đội ngũ trí thức KHCN với nhiều cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài. Đồng thời, TP cũng đã tập trung đầu tư cho hạ tầng KHCN, các nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, đời sống, nâng cao đời sống cho nhân dân. Những thành quả đó không thể không nhắc đến công sức của giới trí thức, nhà khoa học của TP.
Tuy nhiên với nguồn lực chung của TP còn hạn chế nên việc đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN vào thực tiễn, nhất là tại 1 số vùng còn khó khăn vẫn còn khá khiêm tốn, chưa thật sự đáp ứng được so với thực tiễn. Công tác tham mưu, sử dụng, giữ chân các đối tượng thu hút, công tác dự báo, bồ dưỡng, tạo nguồn chưa theo kịp với sự phát triển, nhất là các lĩnh vực phát triển kinh tế là mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực cho KHCN nói riêng để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển TP là nhiệm vụ quan trọng, có tính định hướng lâu dài. Đây cũng là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và tại tất cả các đơn vị, địa phương, kể cả doanh nghiệp để nhằm góp phần phát triển TP bền vững trong thời kỳ mới. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đã chỉ rõ: “Cần có cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực”. Vì vậy, Tọa đàm lần này là dịp để lãnh đạo TP lắng nghe các ý tưởng, giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ từ các đơn vị quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách cũng như tập trung đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực quan trọng này.
TS Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP Đà Nẵng phát biểu đề dẫn Toạ đàm. |
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP Đà Nẵng khẳng định vai trò, ý nghĩa của trí thức KHCN đối với sự phát triển của đất nước nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng. TS Võ Công Trí cho biết, trong nỗ lực xây dựng TP Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế- xã hội của khu vực, những năm qua Thành uỷ, UBND TP đã dành nhiều quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng đội ngũ trí thức, phát triển nguồn nhân lực KHCN. Tuy nhiên trong bối cảnh mới hiện nay khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, đặc biệt với những đột phá về công nghệ, mang đến sự thay đổi vượt bậc về việc làm, sản xuất, chất lượng cuộc sống và các quan hệ chính trị - xã hội, đòi hỏi TP phải có những đột phá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển nguồn nhân lực KHCN để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Nguồn nhân lực KHCN của TP hiện có những hạn chế cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, khó có khả năng tạo ra lợi thế trong cạnh tranh và phát triển, nếu không có những giải pháp căn cơ. Chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức KHCN còn nhiều mặt hạn chế, bất cập; cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh, nhất là đối với bộ phận trí thức tinh hoa, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhân tài trong lĩnh vực KHCN, trong một số lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, như công nghệ vi mạch, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo... Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
“Vì vậy, yêu cầu đặt ra tại Toạ đàm hôm nay là các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các sở, ban ngành sẽ có nhiều ý kiến tham mưu, đề xuất những chủ trương, chính sách cụ thể, khả thi, sâu sát nhằm bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện hành, xây dựng được đội ngũ cán bộ KHCN có số lượng, chất lượng, cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong những năm tới. Đồng thời, các ý kiến cũng cần tập trung phân tích, thảo luận, tranh luận, làm rõ thêm các vấn đề: Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực KHCN thành phố những năm tới; chủ trương, giải pháp nhằm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức nói chung và trí thức KHCN nói riêng; cơ chế đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức KHCN thành phố, nhất là cán bộ, chuyên gia hoạt động trên một số lĩnh vực then chốt, trọng yếu, các ngành công nghệ mới mà TP đang tích cực xúc tiến, như công nghệ vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...; giải pháp tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức KHCN đối với sự phát triển TP và trách nhiệm của trí thức chung tay xây dựng TP Đà Nẵng hiện nay cũng như trong thời gian tới.
Quang cảnh Toạ đàm. |
Theo thông tin từ đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, TP Đà Nẵng hiện có 12 trường đại học, ngoài ra còn có các viện và các khoa đào tạo trực thuộc Đại học Đà Nẵng, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo của các trường đại học ngoài TP. Trong số này Đại học Đà Nẵng có đội ngũ trí thức đông đảo nhất với hơn 2.100 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có hơn 110 giáo sư/phó giáo sư, 450 tiến sĩ. Tiếp đến là Trường Đại học Duy Tân với hơn 1.000 người, trong đó có hơn 50 giáo sư/phó giáo sư, 170 tiến sĩ.
Bên cạnh đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP có 32 Hội thành viên với gần 160 nghìn hội viên tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Trong khi đó, văn nghệ sỹ TP được tập hợp sinh hoạt trong Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật với 9 Hội chuyên ngành và khoảng 1.300 hội viên.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức ở Đà Nẵng có bằng đại học trở lên chiếm tỷ lệ gần 80%, trong đó có khoảng hơn 60 tiến sĩ. Lực lượng cán bộ trong 04 ngành công nghệ cao trong thời gian qua đã được quan tâm đào tạo, đặc biệt là hai lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, đa phần là lực lượng cán bộ trẻ. Đồng thời, số lượng trí thức còn phân bố rộng rãi trong các doanh nghiệp (hơn 143.000 người), lực lượng Quân sự TP (hơn 300 người), lực lượng Biên phòng TP (hơn 200 người), lực lượng Công an TP (khoảng 2.500 người)... Ngoài ra còn có các chuyên gia là trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đang có các hoạt động hợp tác với các cơ quan, đơn vị tại Đà Nẵng.
Với số lượng đội ngũ trí thức kể trên, thời gian qua, đội ngũ này đã có rất nhiều đóng góp vào sự phát triển của TP Đà Nẵng trên tất cả các lĩnh vực./.