Bài 2: Hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là “chìa khóa” để phát triển nguồn nhân lực
(ĐCSVN) - Việc tăng cường hợp tác và hợp tác dài hạn, có hiệu quả giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp được xem là “chìa khóa” để tháo gỡ những bất cập, khó khăn đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết bài toán đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Xu thế tất yếu
Không thể phủ nhận lợi ích của việc hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn với các doanh nghiệp. Đây là sự kết hợp giữa những kiến thức về mặt lý thuyết của nhà trường và thực hành từ doanh nghiệp, cũng như đưa những kiến thức trên sách vở mà sinh viên được học được kết hợp với thực tiễn, từ đó, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn cho các sinh viên ngành Nông nghiệp.
Theo TS. Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề chất lượng cao nói riêng luôn đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới, cập nhật các tiêu chuẩn nghề nghiệp, cập nhật công nghệ nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt hơn với các yêu cầu khắt khe của thị trường lao động. Do vậy, việc gắn kết và hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp sản xuất hàng đầu trong các lĩnh vực điển hình sẽ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Đây là mối quan hệ mang lại lợi ích cho cả hai phía. Một mặt, doanh nghiệp có thể tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng tốt từ nhà trường thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ để nâng cao chất lượng tiêu chuẩn nghề nghiệp. Mặt khác, nhà trường có được sự hỗ trợ của doanh nghiệp về các tiêu chuẩn công nghiệp mới, các yêu cầu tuyển dụng mới và những sự hỗ trợ cần thiết về công cụ, máy móc hướng tới đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao” – TS. Đồng Văn Ngọc cho hay.
GS.TS Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc đổi mới chương trình, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học là việc cần thiết. |
Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trong lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng có vai trò đảm bảo cho sự thành công của công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và về lâu dài đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đây là bước đi mang tính mở đường để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.
Do vậy, việc đổi mới chương trình, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo, làm sao cho sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, có thể làm việc được ngay là việc cần thiết.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Hưng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên cho rằng, nhà trường là nơi đã và đang đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội. Thực tế cho thấy hiện nguồn nhân lực có bằng cấp cao khao khát cống hiến không thiếu nhưng lại không đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực cho các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
Về mối quan hệ gắn bó này, PGS.TS Nguyễn Hưng Quang cho rằng, về phía nhà trường, với tư cách là nơi cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường đa dạng nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng, cần nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế hiện nay. Các hoạt động của nhà trường luôn gắn kết và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, mong muốn có được đội ngũ lao động tốt thực hiện cho chiến lược kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp quảng bá, định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm lao động trên thị trường, các nguồn lực trẻ từ các trường đại học để tìm ra ứng viên có năng lực.
Thực tế cho thấy, việc gắn kết đào tạo nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu thế tất yếu. Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khẳng định: “Coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học và công nghệ”. Việc hợp tác với khối doanh nghiệp sẽ góp phần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, người học thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
Việc hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp học viên có nhiều cơ hội để học tập và trải nghiệm thực tế nghề nghiệp |
Mang lại nhiều lợi ích
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, các hoạt động hợp tác giữa các trường đào tạo và doanh nghiệp đã được quan tâm, triển khai thực hiện. Một số cơ sở đào tạo đại học như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế... đã có hàng trăm thoả thuận hợp tác với doanh nghiệp.
Việc hợp tác, liên kết giúp các trường có thêm nguồn lực quan trọng trong công tác đào tạo, thực hành thực tập, đồng thời, nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng uy tín và thương hiệu nhà trường. Trong khi đó người học có cơ hội nhận được học bổng, hỗ trợ, ưu đãi trong quá trình học; rèn luyện các kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Theo đó, với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từ năm học 2017-2018 đến nay, hàng năm, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác, đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và hơn 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Qua việc hợp tác, giảng viên có điều kiện mở rộng và phát triển tốt mối quan hệ với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các địa phương; từ đó trao đổi, liên kết, hợp tác nghiên cứu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận sinh viên các khóa tiếp theo.
Đặc biệt, qua các đợt thực tập, đã tạo điều kiện cho sinh viên củng cố và vận dụng kiến thức chuyên môn, nắm bắt được quy mô, hiện trạng sản xuất. Sinh viên được tham gia các hoạt động cụ thể của cơ sở thực tập, thực hiện các công việc, kỹ thuật liên quan đến ngành được đào tạo nên sau các đợt thực tập kiến thức chuyên môn được nâng cao; biết vận dụng những kiến thức lý thuyết học ở trường vào tìm hiểu và giải thích nghiên cứu các vấn đề thuộc chuyên ngành và góp phần cũng cố chuyên môn, kiến thức chuyên ngành đào tạo.
Qua các đợt thực tập tại doanh nghiệp cũng giúp sinh viên có cơ hội được trải nghiệm thực tế, hiểu được hiện trạng về kinh tế - xã hội, hiện trạng nông nghiệp và nông thôn tại cơ sở. Từ đó, sinh viên hiểu hơn về các cơ hội nghề nghiệp, xác định rõ hơn về lựa chọn công việc làm sau khi tốt nghiệp.
Không chỉ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tại trường Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM), tính đến năm 2023, trường đã xây dựng cơ chế hợp tác với gần 160 doanh nghiệp lớn, nhỏ trong nước và nước ngoài, trong đó có những tập đoàn hàng đầu như: Công ty Hanwa, Tập đoàn Out – Sourcing, Công ty DENSO Việt Nam, Công ty Trường Hải Auto, Công ty TOYOTA Việt Nam,…
Các “sợi dây” liên kết rộng rãi với các doanh nghiệp này đã giúp nhà trường thường xuyên định hướng lại chương trình đào tạo thông qua việc cập nhật các tiêu chuẩn từ các doanh nghiệp, đồng thời có cơ sở định hướng đầu tư các thiết bị, máy móc, nhà xưởng phù hợp với các công nghệ và yêu cầu sản xuất từ doanh nghiệp, đặc biệt là các thiết bị, máy móc liên quan đến công nghiệp 4.0.
Hiệu quả đào tạo nhờ đó được nâng cao rõ rệt. Các lớp đào tạo chất lượng cao đáp ứng tốt các yêu cầu từ các doanh nghiệp, bao gồm: trình độ kỹ năng nghề bậc cao, trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học theo chuẩn, đạo đức, kỷ luật nghề nghiệp và các kỹ năng mềm khác,…
Có thể khẳng định, hiệu quả từ việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp đã chứng tỏ tính đúng đắn trong việc định hướng chất lượng đào tạo, phù hợp với các tiêu chuẩn nghề nghiệp ngoài thị trường lao động của các trường đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn.
Việc hợp tác với doanh nghiệp là vấn đề quan trọng được nhiều Học viện, trường Đại học quan tâm và tăng cường thúc đẩy để nâng cao chất lượng đào tạo. |
Nhà trường và doanh nghiệp cần cùng nhau đồng hành
Những lợi ích mang lại từ việc hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và các doanh nghiệp là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hiện nay, việc hợp tác này vẫn còn những điểm hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Trong đó, vẫn có một số trường còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của liên kết đào tạo đối với sự tồn tại và phát triển của nhà trường. Do vậy, thiếu quyết tâm, dẫn đến liên kết còn rời rạc, manh mún, hiệu quả chưa cao.
Đáng chú ý, nhiều trường còn thiếu kinh nghiệm trong việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Do đó, liên kết có thực hiện nhưng chưa chặt chẽ, chưa theo kịp sự thay đổi của thị trường lao động và nhu cầu người học.
Hầu hết mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp mà chưa phải xuất phát từ tầm nhìn dài hạn.
Nhằm khắc phục những tồn tại này, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, theo TS. Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần khuyến khích và có một số cơ chế bắt buộc phải thực hiện liên kết, hợp tác với doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, TS. Đồng Văn Ngọc cho rằng, tùy từng mô hình và quy mô doanh nghiệp, Luật cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc đào tạo nguồn nhân lực thông qua trách nhiệm hợp tác, gắn kết, chia sẻ và hỗ trợ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là trách nhiệm của riêng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, đối tượng sử dụng lao động.
“Các doanh nghiệp cần tham gia sâu và rộng hơn nữa vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực trẻ có tay nghề cao. Những nguồn lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp rất có giá trị đối với việc nâng cao hiệu quả đào tạo” – TS. Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh.
Theo GS.TS Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, từng trường phải tự thay đổi, trong đó chú trọng về việc thay đổi chương trình đào tạo, hướng đến các chuẩn đầu ra nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của việc học mà trong đó có việc liên kết với doanh nghiệp, tức là thay đổi ở bên trong.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, để giải quyết những thách thức và thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan đào tạo và doanh nghiệp, các trường đại học và doanh nghiệp có thể hợp tác trong các dự án nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức của ngành và thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Bằng cách làm việc cùng nhau, các trường đại học có thể khai thác chuyên môn và nguồn lực của mình, trong khi các doanh nghiệp có thể tiếp cận những hiểu biết sâu sắc về học thuật và khả năng tiếp cận nhân tài.
Hơn nữa, nhà trường và doanh nghiệp cần cùng nhau đồng hành trong công tác hướng nghiệp, gắn hướng nghiệp với trải nghiệm nghề nghiệp, giúp phụ huynh và học sinh có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, thúc đẩy việc thu hút tuyển sinh đầu vào. Tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm phát triển và đào tạo các nội dung về nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi công nghệ cao; các giải pháp phát triển bền vững trong nông nghiệp,…
Thực tế cho thấy, việc tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là giải pháp quan trọng, cần được hai bên cùng tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới. Bởi sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai bên mà quan trọng, đó còn là tạo ra những cơ hội tốt nhất để đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên về cả đạo đức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các cơ hội để trải nghiệm thực tế, tiếp xúc với nghề và đặc biệt, mở ra các cơ hội về việc làm cho tương lai./.
(còn nữa)