Phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) – Nhìn lại chặng đường bảo tồn và phát triển làng nghề nước ta những năm qua, Hiệp hội làng nghề Việt Nam hiện đang tích cực tìm kiếm các giải pháp phù hợp để phát triển làng nghề bền vững, đồng thời đưa làng nghề hội nhập quốc tế có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).
Năm 2015 này đánh dấu 10 năm xây dựng và phát triển của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cũng đánh dấu chặng đường đồng hành cùng các làng nghề, phố nghề của cả nước trong giai đoạn hội nhập và phát triển vừa qua.
Thực trạng phát triển làng nghề
Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội làng nghề Việt Nam, làng nghề nước ta có lịch sử hàng trăm năm, có nghề trên 1.000 năm (như gốm sứ), sản xuất chủ yếu là mặt hàng thủ công, thủ công mỹ nghệ, mang trong sản phẩm những tinh hoa văn hóa của dân tộc, rất cần được bảo tồn.
Mấy năm gần đây, kinh tế nước ta gặp khó khăn, một số cơ sở sản xuất làng nghề phải thu hẹp sản xuất, nhưng vẫn có những cơ sở kinh doanh tốt, tìm được thị trường mới, kể cả xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn chung, làng nghề đang phát triển dưới dạng tiềm năng, mẫu mã chậm đổi mới; nhiều cơ sở làng nghề, nghệ nhân có ý tưởng mới, sáng tạo nhưng chưa được triển khai; thiếu mặt bằng, thị trường chưa được mở rộng; nhiều làng nghề ô nhiễm nặng, chưa được xử lý hiệu quả. Điều này xuất phát từ chính thực tiễn hiện nay ở nước ta, làng nghề chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ, kể cả siêu nhỏ, vốn không nhiều, còn nhiều yếu kém về quản trị cơ sở và tiếp thị, về ứng dụng công nghệ mới. Hơn nữa, mặc dù Nhà nước đã tích cực ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn, phát triển làng nghề nhưng việc đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo thực hiện kém hiệu quả, thiếu sâu sát nên còn một số bất cập, tồn tại trong phát triển làng nghề, trong đó nguy cơ lớn nhất là vấn đề vệ sinh môi trường các làng nghề.
Nước ta được mệnh danh là đất nước của làng nghề, nơi đây hội tụ những tinh hoa văn hóa, văn nghệ dân gian được bồi đắp qua nhiều năm, sản sinh và lưu giữ những giá trị có hàm lượng văn hóa, lịch sử tinh thần đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 12/2014, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.748 làng nghề đã được công nhận, trên 400 làng nghề truyền thống với hơn 53 nhóm nghề. Riêng Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề đã được công nhận, hàng trăm làng nghề, phố nghề truyền thống. Việt Nam ước tính có khoảng hơn 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau trong đó rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm, như: Tơ lụa Vạn Phúc, the La khê, đồng Ngũ Xã, gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, gốm Sứ Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Bầu Trúc,…
Phát triển làng nghề gắn với xây dựng NTM
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khẳng định, trong xu thế hội nhập quốc tế, làng nghề, ngành nghề truyền thống và các làng Việt cổ Việt Nam là nơi hội tụ bản sắc, nét độc đáo riêng, góp phần giới thiệu sinh động về đất nước và con người của mỗi vùng miền, địa phương, phát triển du lịch làng nghề phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đang được nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra những chính sách quảng bá để kích thích phát triển loại hình du lịch làng nghề. Tuy nhiên, để phát triển loại hình làng nghề du lịch còn rất nhiều việc phải làm như: Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan, môi trường, các chương trình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng cao. Đồng thời, phải tạo những điều kiện cơ sở dịch vụ phục vụ khách thuận lợi hấp dẫn để khách tham gia các hoạt động trải nghiệm làng nghề, đến nhiều lượt mua nhiều hàng lưu niệm, có ấn tượng tốt đẹp.
Nước ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mới với việc tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh; hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trước với nhiều cơ hội và cũng không kém phần thách thức. Trong thời kỳ mới, làng nghề càng phải phát huy mọi tiềm năng để nâng cao sức cạnh tranh, tăng trưởng nhanh, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ này đòi hỏi Nhà nước đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ quan điểm phát triển, cơ chế, chính sách đến cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho làng nghề.
Để làm được như vậy, Nhà nước cần hoàn thiện về cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề mà mục tiêu là nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề. Trước mắt, theo gợi ý của ông Vũ Quốc Tuấn, cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, tập trung vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng, như về vốn, mặt bằng, thị trường, ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ mới, định thời gian xử lý dứt điểm từng việc ở từng làng nghề cụ thể, tránh chung chung. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (về thuế, hải quan, vận chuyển kho, bãi…), xóa bỏ những thủ tục đang làm tăng chi phí cho cơ sở làng nghề. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; chống tham nhũng, tăng cường các giao dịch điện tử, giảm bớt các quan hệ trực tiếp giữa công chức cơ quan chức năng với cơ sở làng nghề.
Đặc biệt, mỗi cơ sở (hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã) phải nâng cao trình độ, năng lực của mình, thực hiện mọi biện pháp để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, ứng dụng công nghệ mới, bồi dưỡng và phát huy nghệ nhân, thợ giỏi; phát triển liên doanh, liên kết giữa các cơ sở làng nghề để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, lấy các doanh nghiệp làm đầu mối…
Lê Nguyễn