Phát triển kinh tế xanh là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia
(ĐCSVN) - Theo các đại biểu, thế giới đang diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra các cơ hội mới đối với phát triển kinh tế-xã hội của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 với chủ đề "Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh" |
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 2/11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 với chủ đề "Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh".
Diễn đàn do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức. Tham dự Diễn đàn có Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam, các đại sứ, các hiệp hội và doanh nghiệp EU và Việt Nam.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo EU, EuroCham đánh giá cao những thành tựu phát triển và tiềm năng to lớn của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, tuần hoàn, công nghệ cao. Theo các đại biểu, thế giới đang diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra các cơ hội mới đối với phát triển kinh tế-xã hội của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu.
Thời gian qua, EU đã phát huy vai trò tiên phong trong thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế toàn cầu xanh và tuần hoàn, góp phần xoay chuyển những thách thức hiện nay thành các cơ hội cho phát triển, với các chiến lược và sáng kiến quan trọng, những bước đi cụ thể trong các lĩnh vực, như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng hydrogen xanh, kết nối số và huy động nguồn tài chính xanh cho phát triển.
Các ý kiến cũng đánh giá cao cam kết, nỗ lực và các giải pháp của Việt Nam nhằm hợp tác với các đối tác EU trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, như việc tham gia ký kết Tuyên bố Chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm G7 và các đối tác quốc tế, trong đó có EU.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh, năm 2023 là một năm đặc biệt khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ hai nước đã bắt đầu từ sớm hơn 400 năm trước đó, khi Hà Lan là cường quốc hàng hải và thương mại thì con tàu Hà Lan đầu tiên đã cập cảng Hội An.
Hợp tác Việt Nam-Hà Lan ngày càng phát triển và hiện nay Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam, trên 60% hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đều đi qua cảng Rotterdam: “Việt Nam có tăng trưởng kinh tế thần kỳ và rất ít người có thể tưởng tượng được Việt Nam đã đạt được điều đó. Các bạn đã biến những điều tưởng là kỳ diệu, trở thành hiện thực”, Thủ tướng Hà Lan nói.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu tại Diễn đàn |
Thủ tướng Mark Rutte cũng cho rằng, cả hai nước đều nhận thấy thực tiễn, tăng trưởng kinh tế không bền vững sẽ gây ra những tác hại khôn lường và tất cả đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường: “Chúng ta cần chung tay vào cuộc và chúng ta cần sự đóng góp từ tất cả mọi người, từ chính phủ, tổ chức xã hội, đến các chuyên gia, các định chế tài chính và trên hết là sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng Hà Lan nhấn mạnh.
Việc Chính phủ ban hành và thực thi các quy định về khí hậu, nhưng chính các doanh nghiệp lại là người quyết định thành công của các chính sách đó. Bởi sự kết hợp hợp giữa các chính sách, cùng với đó là đổi mới sáng tạo, đổi mới tri thức sẽ giúp tìm ra và áp dụng được những giải pháp cần thiết để mang lại những kết quả tốt đẹp của quá trình thực thi chính sách đó.
Việc hàng chục các doanh nghiệp Hà Lan tham gia vào Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh, theo Thủ tướng Mark Rutte, thể hiện mối quan tâm của doanh nghiệp, khối tư nhân Hà Lan đến việc giải quyết các thách thức toàn cầu trên cơ sở hợp tác với các đối tác quốc tế.
Hiện nay, EU đang có các quy định mới trong khuôn khổ Thoả thuận xanh, theo Thủ tướng Mark Rutte thì đây sẽ là động lực giúp thúc đẩy sản xuất và mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất bền vững, trong đó có các nhà cung ứng xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU. “Các doanh nghiệp, nhà đầu tư hãy chuẩn bị để ‘đón’ các quy định này”, Thủ tướng Hà Lan nói.
Thủ tướng Mark Rutte cũng cho biết thêm, các quy định này không chỉ áp dụng với các nhà sản xuất của Việt Nam mà còn áp dụng với các nhà đầu tư của châu Âu và Hà Lan đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam: “Nếu chúng ta cùng chung tay thì sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Hiệp hội doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu, trong khuôn khổ chương trình sẵn sàng xuất khẩu. Tôi mong muốn các doanh nghiệp sẽ đáp ứng và tuân thủ các quy định mới này”, người đứng đầu chính phủ Hà Lan nói.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nêu rõ, tăng trưởng xanh chính là tương lai, hai bên có cùng chung những tham vọng lớn và cùng nhau biến những khát vọng thành hiện thực. “Việt Nam thực sự đã xứng danh với tên gọi của mình đó là mảnh đất của 'rồng bay lên' và Việt Nam mảnh đất của những cơ hội, các bạn đem lại rất nhiều tiềm năng. Và chúng ta hãy cùng hợp tác để Việt Nam và Hà Lan trở thành 'rồng xanh', hãy tận dụng và chớp lấy tất cả cơ hội mới đang ở trước mắt chúng ta”, Thủ tướng Mark Rutte nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, nhắc lại những mục tiêu, tham vọng mà hai bên đã đặt ra trong thời gian qua, đặc biệt là sau Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, “chúng ta còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn |
Đồng tình với Thủ tướng Mark Rutte, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng lớn nhất của ASEAN đối với châu Âu. Thương mại hai chiều năm 2022 đạt 63 tỷ USD, châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai, nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu vào Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trên nền tảng quan hệ chính trị, ngoại giao phát triển tốt đẹp, quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư cũng phát triển theo. Chia sẻ về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam,
Thủ tướng cho biết, trước hết, Việt Nam đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư đến Việt Nam và thực hiện các vấn đề liên quan đến thương mại, kinh tế được ổn định và phát triển lâu dài.
Thứ hai, Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để góp phần giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm của các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu, qua đó, giúp tạo ra môi trường cạnh tranh tốt hơn.
Thứ ba, Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giúp tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng rãi và trên nền tảng đó, hỗ trợ cho các nhà đầu tư thuận lợi và triển khai tích cực hơn.
Thứ tư, Việt Nam luôn luôn bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh để các bạn yên tâm đầu tư trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.
Thứ năm, phát triển nhanh nhưng bền vững, không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Việt Nam phải sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và đảm bảo các nguồn năng lượng xanh cho các nhà đầu tư phát triển bền vững. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số là hai mặt song song của một quá trình, muốn phát triển kinh tế xanh thì phải phát triển kinh tế số và ngược lại.
“Phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức là một xu thế, phong trào và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, là một đất nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi và còn gặp những khó khăn, Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam cần có sự ủng hộ của châu Âu trong việc thực hiện các giải pháp phát triển xanh. “Chúng tôi cần sự chia sẻ, giúp đỡ để chúng ta cùng thắng”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn Hà Lan giúp đỡ Việt Nam trong các vấn đề xây dựng thể chế, chính sách phù hợp, chia sẻ về lợi ích, rủi ro thì cùng nhau gánh vác; chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; đầu tư hỗ trợ về tài chính kết hợp hợp tác công tư, nguồn vốn; vấn đề quản trị khoa học; đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Hà Lan ủng hộ EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Chia sẻ về vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện khu vực này gặp các vấn đề liên quan đến sụt lún, sạt lở, hạn hán, nước xâm nhập mặn và nước biển dâng cao, gây ảnh hưởng đến kế sinh nhai của 22 triệu người sinh sống tại đây.
Đây cũng là khu vực chiếm 90% sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam, giúp đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam cũng như thế giới. Đồng thời, khu vực này cũng chiếm 60% sản lượng nông thuỷ sản xuất khẩu đi các nước, trong đó có các nước châu Âu. “Chúng tôi mong rằng, Hà Lan tăng cường đầu tư vào khu vực này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết thêm, Việt Nam hiện đang tập trung phát triển hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phát triển xanh, bền vững. Cùng với đó, chống phá rừng và thực hiện các biện pháp gây rừng cũng đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm và triển khai mạnh và đồng bộ, góp phần phát triển các công trình thuỷ điện, đóng góp vào phát triển xanh, phát triển bền vững của nhân loại.