Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Phú Yên
(ĐCSVN) - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Phú Yên có 23 xã, tập trung ở 03 huyện gồm Đồng Xuân, Sông Hinh và Sơn Hoà; có 33 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 32 dân tộc thiểu số (DTTS) với 60.128 người, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, vùng này đã có những chuyển biến tích cực về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện….
Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên đã đầu tư nhiều dự án, công trình, tạo điều kiện để người dân nơi đây phát triển kinh tế - xã hội |
Tại huyện Sông Hinh, trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ năm 2022 đến nay, trên cơ sở các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, huyện đã tập trung phối hợp với các các sở, ngành, đơn vị của tỉnh để triển khai. Theo đó, đã có 148 tỷ đồng được giải ngân để xây dựng gần 30 công trình đường giao thông, điện, rãnh thoát nước, sân vận động, thiết chế văn hóa; đồng thời cũng đầu tư xây dựng 4 công trình cấp nước tập trung và nhiều dự án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là đồng bào DTTS trên địa bàn. Qua đó tạo sự chuyển biến cơ bản và thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào tại địa phương phát triển. Đặc biệt, thông qua những đầu tư này cũng bước đầu tạo nên những điểm nhấn, lan toả nhiều mô hình phát triển để các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư học hỏi, làm theo, từng bước phổ biến để góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi ở địa phương.
Chia sẻ về những kết quả đạt được, đồng chí Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Với tổng số dân của huyện trên 13.800 hộ với hơn 52.000 người; trong đó, đồng bào DTTS có hơn 6.000 hộ với gần 25.000 người, chiếm tỷ lệ 47,9% dân số. Đây là số lượng dân cư khá lớn, nếu được đầu tư, tạo điều kiện để phát triển sẽ góp phần rất lớn giúp Sông Hinh thay đổi cả về diện mạo, đời sống kinh tế - xã hội cũng như bảo tồn, phát huy các truyền thống văn hoá dân tộc, đồng thời giữ gìn, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh của huyện và tỉnh nói chung và tại mỗi thôn, làng khu vực miền núi địa phương nói riêng.
“Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện đã tập trung phối hợp với tỉnh để xây dựng nhiều chương trình, dự án, triển khai các mô hình phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời liên tục huy động nhiều nguồn lực cũng như khơi dậy trong cộng đồng dân cư ý thức trách nhiệm, sự đổi mới và quyết tâm vươn lên. Trong đó, riêng về kinh tế, UBND huyện đã triển khai nhiều dự án, chương trình giúp người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019 - 2024, huyện phát triển mạnh vùng nguyên liệu mía. Theo đó trung bình mỗi năm, người dân trên địa bàn trồng từ 4.000 - 5.000 ha mía, năng suất trung bình đạt 70 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 50 triệu đồng/ha”- đồng chí Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn thông tin và cho biết thêm: Kể từ năm 2022 đến nay, huyện đã giải ngân hơn 148 tỷ đồng được từ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN để xây dựng gần 30 công trình đường giao thông, điện, rãnh thoát nước, sân vận động, thiết chế văn hóa; đầu tư 4 công trình cấp nước tập trung và nhiều dự án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là đồng bào DTTS trên địa bàn, nhờ đó đã tạo nhiều chuyển biến quan trọng, nhất là đời sống của đồng bào đã có bước phát triển mới, ổn định hơn.
Mía là một trong những cây trồng được các địa phương miền núi ở Phú Yên chú trọng để tăng thu nhập |
Tại huyện Sơn Hoà, từ năm 2022 đến năm 2024, UBND huyện đã phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương chuyển giao để thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn với trên 246 tỷ đồng. Theo UBND huyện, tính đến 31/3/2024, địa phương đã giải ngân được hơn 108 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống điện, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở cho hàng trăm lượt hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong khi đó, tại huyện Đồng Xuân, thống kê của UBND huyện cho hay, toàn huyện có trên 17.800 hộ dân với hơn 55.300 nhân khẩu; trong đó, đồng bào DTTS có gần 3.000 hộ dân với hơn 10.700 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ hơn 19% dân số toàn huyện. Huyện có tổng cộng 18 dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn, chủ yếu là các dân tộc: Chăm Hroi, Ba Na, Tày, Nùng, Thái, Mường, Êđê... Đồng bào các DTTS sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp.
Trong các năm từ 2019 đến 2024, các chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện luôn được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời và đạt những kết quả đáng tích cực. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của vùng này đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng lớn như: mía, sắn, keo… Kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, góp phần phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân khu vực miền núi trong huyện.
Nói về chuyển bước phát triển của gia đình mình sau khi được thụ hưởng các chính sách đầu tư phát triển của huyện, chị Ka Pá Thị Ẩn, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) cho biết gia đình chị trước đây thuộc diện hộ nghèo, nuôi hai con nhỏ, không có chỗ ở ổn định. “Qua sự hỗ trợ 40 triệu đồng của chính quyền địa phương, tôi vay mượn thêm từ người thân, bạn bè để xây dựng được một căn nhà mới để có chỗ ở ổn định. Sau đó, được sự tư vấn của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, tôi được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn để mở rộng diện tích trồng sắn và chăn nuôi bò. Đến nay kinh tế gia đinh phát triển ổn định và vươn lên thoát nghèo”- chị Ka Pá Thị Ẩn chia sẻ.
Văn hoá cồng chiêng tại miền núi Phú Yên được bảo tồn, gìn giữ |
Theo UBND huyện Đồng Xuân, từ năm 2019 - 2024, tổng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS phân bổ cho huyện gần 8,8 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn này, các xã được hỗ trợ thực hiện 6 dự án, tiểu dự án với 380 đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm trên 4%. Ngoài ra, huyện cũng tận dụng nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho đồng bào DTTS trên địa bàn để vay vốn làm ăn, xây dựng nhà ở, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Nói thêm về những giải pháp tích cực và kết quả đạt được, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng cho biết: Trong 5 năm (2019 - 2024), huyện đã huy động trên 300 tỷ đồng từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện chính sách, dự án đối với đồng bào DTTS&MN. Huyện đã hỗ trợ hơn 4.000 lượt hộ đồng bào DTTS được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với trên 183 tỷ đồng. Từ đó, giúp các hộ đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo và xây dựng được nhà ở ổn định, có điều kiện cho con em ăn học. Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả hiện đang được các xã và thôn, làng khu vực DTTS&MN của huyện tiếp tục phát huy, nhân rộng.
Thông tin thêm về những kết quả đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS&MT của tỉnh thời gian qua, đại diện UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã và đang tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Chương trình Giảm nghèo bền vững và Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Các chương trình này được bố trí nhiều nguồn vốn đảm bảo để phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện miền núi của tỉnh.
Tính đến 20/5/2024, các đơn vị, địa phương thụ hưởng Chương trình tập trung các dự án, tiểu dự án có liên quan đến các chương trình kể trên đã giải ngân vốn Chương trình kế hoạch năm 2024 với kinh phí 17.480 triệu đồng, đạt tỷ lệ 09% (trong đó vốn đầu tư 12.259 triệu đồng đạt tỷ lệ 14%, vốn sự nghiệp 5.221 triệu đồng đạt tỷ lệ 4,8%); giải ngân vốn năm 2022, 2023 chuyển sang năm 2024 với kinh phí 5.667 triệu đồng đạt tỷ lệ 04% (trong đó: vốn đầu tư 4.408 triệu đồng đạt tỷ lệ 50%, vốn sự nghiệp 1.259 triệu đồng đạt tỷ lệ 01%). Từ các nguồn vốn này, hiện các địa phương miền núi của tỉnh đang tập trung đầu tư, xây dựng và hoàn thiện các công trình, nhiệm vụ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bào DTTS&MN của tỉnh.
Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Phú Yên |
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các địa phương miền núi ở Phú Yên cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện một số tiêu chí trong giai đoạn 2021 - 2025 chưa phù hợp với điều kiện thực tế của huyện miền núi. Việc huy động vốn đối ứng trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới rất khó thực hiện. Nguồn vốn phân bổ cho địa phương theo nhiều đợt nên địa phương khó lồng ghép. Các xã lúng túng trong việc lựa chọn danh mục công trình thực hiện.
Từ năm 2021 đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững khó thực hiện vì gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, thiên tai, dịch bệnh, nhiều chỉ tiêu khó đạt, nguồn kinh phí phân bổ chậm. UBND tỉnh Phú Yên và các sở, ngành cũng chưa có quy định rõ về mức thu hồi, cơ chế quay vòng vốn và mức hỗ trợ cụ thể cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các dự án đa dạng sinh kế, dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một số dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp triển khai rất chậm. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí nguồn vốn ở một số tiểu dự án chưa được ban hành quy định cụ thể. UBND tỉnh chưa ban hành mức hỗ trợ người quản lý tài sản, duy trì, vận hành, khai thác, bảo trì các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin nên khó thực hiện giải ngân nguồn vốn.
Mới đây, tại buổi làm việc với các huyện miền núi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ đã yêu cầu các địa phương phải giải ngân hết 100% nguồn vốn được phân bổ đến năm 2024. Vì nếu không giải ngân hết, nguồn kinh phí từ trung ương và tỉnh sẽ bị thu hồi. Đây sẽ là một sự lãng phí rất lớn khi hạ tầng cơ sở và đời sống của người dân các huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn. Các địa phương cần phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nỗ lực sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao để thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.