Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát triển kinh tế đêm dựa trên nền tảng văn hóa

Thứ Ba, 20/08/2024 14:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Những năm gần đây, mô hình phát triển kinh tế đêm gắn với trải nghiệm văn hóa thực sự mang lại những làn gió mới, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của du khách.

Gia tăng trải nghiệm cho du khách

Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở những thành phố/trung tâm lớn, nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc (Kiên Giang).

Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, với mục tiêu tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế; góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các tỉnh, thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Phố đêm du thuyền tại Quảng Ninh mở ra không gian vui chơi, giải trí ban đêm mới mẻ, sôi động cho du khách. (Ảnh: HT) 

Có 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được đặt ra trong đề án, đi kèm các dịch vụ đặc trưng và dịch vụ bổ trợ, bao gồm: mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mô hình mua sắm, giải trí đêm; mô hình tham quan du lịch đêm; mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch, đa dạng hóa dịch vụ, gia tăng trải nghiệm cho du khách, từ đó tận dụng tối đa cơ hội phát triển mới, thu hút khách du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động phố đêm du thuyền. Đây được đánh giá là sản phẩm du lịch độc đáo trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của Quảng Ninh, mở ra không gian vui chơi, giải trí ban đêm mới mẻ, sôi động cho du khách. Đáng chú ý, việc tổ chức các đêm nhạc với sự xuất hiện của những nghệ sĩ nổi tiếng cũng là sản phẩm du lịch thu hút đông đảo người dân và du khách. Các đêm nhạc được thực hiện ở nhiều địa điểm từ không gian rừng núi đến góc đồi, bờ biển. Với nỗ lực phát triển, làm mới và sáng tạo, các đêm nhạc không chỉ gia tăng trải nghiệm du lịch về đêm, mà còn là "thỏi nam châm" hấp dẫn du khách tới Quảng Ninh.

Đầu năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tổ chức lễ ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm Hà Nội, là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động định hướng phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn thành phố, nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm. Các sản phẩm du lịch đêm được giới thiệu tới du khách, gồm những sản phẩm hiện được đầu tư làm mới về nội dung, hình thức thể hiện và có những sản phẩm được xây dựng mới, lần đầu được giới thiệu. Trong đó, có show diễn thực cảnh, chương trình nghệ thuật, tour tham quan di sản, không gian đi bộ, tour ẩm thực, trải nghiệm xe bus 2 tầng, tour xe đạp, xích lô, xe điện, phố sách, lễ hạ cờ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm tại Thủ đô cũng được chú trọng phát triển như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long…

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vào ban đêm du khách có thể trải nghiệm nhiều không gian văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống như: phố Bùi Viện (Quận 1), các tuyến phố Vĩnh Khánh (Quận 4), phố ẩm thực trước kỳ đài Quang Trung - Hồ Thị Kỷ (Quận 10), phố Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3). Cùng với đó, các hoạt động văn hóa trải nghiệm như "Về Chợ Lớn xem múa lân"; tour du lịch "Quận 1 - Sắc màu đêm"; "Trăng chiến khu"... đã góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, tạo nên sắc màu, góc nhìn khác cho du khách khi trải nghiệm, tham quan thành phố.

Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, với việc tạo các điểm nhấn, đa dạng các sản phẩm du lịch, dịch vụ, Thành phố sẵn sàng thu hút nhiều hơn du khách đến tham quan trải nghiệm hoạt động du lịch, dịch vụ vào ban đêm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.

Với lợi thế về biển, đảo, Phú Quốc (Kiên Giang) đã có một số sản phẩm du lịch gắn mô hình kinh tế đêm, hấp dẫn nhiều đối tượng du khách. Đến với Phú Quốc, không khó để du khách tìm được một công trình biểu tượng, một khu nghỉ dưỡng, một show diễn hay thậm chí một khu chợ ngập tràn những sắc màu văn hóa.

Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm thu hút đông đảo du khách vào dịp cuối tuần. (Ảnh: HT)

Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp những show diễn quy mô, công phu, và thấm đượm văn hóa được giới thiệu đến du khách, đó là Rối Việt với sân khấu múa rối nước bên biển; Chợ đêm Vui Phết với các tiết mục nghệ thuật đường phố vui nhộn, cùng những nét độc đáo của văn hóa bản địa; show diễn công nghệ đa phương tiện Kiss of The Sea - Nụ hôn của Biển cả với những phần trình diễn công nghệ, ánh sáng, nước và lửa...

Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, đến Phú Quốc, ngoài hoạt động nghỉ dưỡng, tắm biển, vui chơi, giải trí, thưởng thức ẩm thực, du khách có khá nhiều sự lựa chọn các hoạt động trải nghiệm, tham quan, mua sắm, xem biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm. Nhờ đa dạng các hoạt động, trong 7 tháng đầu năm, các lượt khách quốc tế và doanh thu du lịch Kiên Giang tăng cao so với cùng kỳ và đạt kế hoạch năm, điều này ngày càng khẳng định được sức hút của một “thiên đường” du lịch.

Cần giải pháp đồng bộ

Được coi là loại hình kinh tế đặc thù, nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, để đạt được hiệu quả lâu dài, phát triển đa dạng sản phẩm song vẫn giữ được yếu tố lạ, hấp dẫn, việc phát triển kinh tế đêm cần có lộ trình thực hiện gắn với nhu cầu thị trường, điều kiện đặc thù địa phương.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cho rằng, để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế ban đêm, trước tiên cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế ban đêm. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế ban đêm ở Hà Nội, từ đó mới khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, kinh tế đêm mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng gặp phải những rủi ro tiềm ẩn khác như vấn đề an ninh, an toàn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải, áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu. Cùng với đó là các vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, giá cả hàng hóa... Vì vậy, ông Thắng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là cần có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm.

Du lịch đêm cần được tập trung theo hai nhóm: sản phẩm gắn với văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí; sản phẩm gắn với các chương trình văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, các khu ẩm thực, chợ đêm cần được đầu tư và quy hoạch bài bản, đảm bảo các yếu tố vệ sinh thực phẩm, an toàn, thân thiện và đặc biệt phải mang nét văn hóa của địa phương.

Để "thắp sáng" kinh tế đêm, ngoài việc xây dựng lộ trình, chiến lược phát triển đối với kinh tế ban đêm đảm bảo thống nhất và phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như định hướng kinh tế - xã hội của quốc gia, cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính cho các đối tượng tham gia vào hoạt động kinh tế ban đêm, ít nhất là ở giai đoạn đầu để khuyến khích các chủ thể tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế ban đêm.

Bên cạnh đó, cần tập trung phát huy thế mạnh của du lịch vùng, miền, du lịch văn hóa - lịch sử, bởi một trong những xu hướng của khách du lịch đặc biệt là du khách quốc tế hiện nay là muốn được khám phá sâu hơn, tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa - lịch sử ở mỗi điểm đến. Theo khảo sát, phần lớn các du khách sẵn sàng chi nhiều hơn cho các hoạt động như thăm bảo tàng và di tích lịch sử, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến lịch sử và văn hóa địa phương. Vì vậy, mỗi địa phương cần hướng đến đúng nguồn khách và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt cần quan tâm đến hoạt động nghệ thuật đặc trưng, có bản sắc riêng để giữ chân du khách./.

H.Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN