Phát triển Hạ Long xứng tầm thành phố du lịch biển văn minh
(ĐCSVN)- Việc mở rộng địa giới hành chính không gian phát triển cho thành phố Hạ Long thông qua việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long là quyết định có tính lịch sử và đột phá, đáp ứng mọi yêu cầu phát triển mới về đất đai, dân số và cơ sở hạ tầng của Hạ Long.
Trao quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh:K.T) |
Ngày 12/1/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2; Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đến dự và phát biểu tại buổi lễ.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ quốc phòng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, được ví như môt "Việt Nam thu nhỏ", có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là cửa ngõ hôi nhâp với thế giới của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bô; là điểm nút trong khu vực hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế Viêt - Trung và kết nối với khu vực ASEAN.
Trong những năm qua, cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, kinh tế của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững, luôn đứng trong top đầu của cả nước về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng.
Đó là những tiền đề, là điều kiện quan trọng để tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt các chiến lược của Trung ương, các qui hoạch, kế hoạch, trong đó có việc bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo và phát huy các giá trị ngoại hạng của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long mà các thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn ý thức với trách nhiệm cao nhất.
Liên tiếp trong 58 năm qua kể từ khi vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 1962; được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất vào năm 1994 và lần thứ hai vào năm 2000; dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã hết sức trách nhiệm bằng nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo và phát huy, thực hiện đầy đủ, đúng với Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Năm 1995, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý vịnh Hạ Long chuyên trách trực thuộc UBND tỉnh và thường xuyên điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện bộ máy, tổ chức con người đảm bảo đủ năng lực là cơ quan chuyên trách quản lý di sản.
Năm 2015, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt qui hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy di sản Vịnh Hạ long đến năm 2020 và các qui hoạch ngành về: quản lý môi trường, quản lý đa dạng sinh học, quản lý nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long.
20 năm qua, tỉnh đã đầu tư nguồn lực thỏa đáng để nghiên cứu hàng chục đề tài khoa học cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở về các giá trị địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học động vật, thực vật; khai quật khảo cổ để làm rõ nguồn gốc lịch sử về sinh sống con người trong các hang động trên vịnh Hạ Long. Đầu tư bảo tồn các giá trị văn hóa của cư dân sinh sống trên vịnh Hạ Long và phát huy thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên Vịnh.
Bằng những giải pháp đồng bộ đó, trong sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp hết sức trách nhiệm của tổ chức UNESCO, các bộ, ban, ngành trung ương, vịnh Hạ Long đã được bảo tồn, gìn giữ tốt, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Từ năm 2000 đến nay, vịnh Hạ Long đã đón trên 46,8 triệu lượt khách tham quan, trong đó khách quốc tế là 26,7 triệu lượt. Doanh thu từ phí thăm Vịnh hằng năm đã góp phần quan trọng vào phát triển du lịch và kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.
Đến nay, sau 34 năm tính từ khi vịnh Hạ Long được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và sau 20 năm lần thứ hai được công nhận về giá trị địa chất - địa mạo; vịnh Hạ Long đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch Quảng Ninh, của Việt Nam và của thế giới; là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh và là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế.
Để bảo tồn, phát huy giá trị của vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xác định phải có một tầm nhìn mới, có một không gian phát triển rộng hơn, có tính chiến lược lâu dài. Do vậy, việc mở rộng địa giới hành chính không gian phát triển cho thành phố Hạ Long bằng sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long là quyết định có tính lịch sử và đột phá. Việc mở rộng địa giới TP Hạ Long, chính là tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy chìa khóa cho phương pháp quản lý có tính tổng thể nhằm tăng cường khả năng liên kết vùng, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ được môi trường và các giá trị ngoại hạng của vịnh Hạ Long một cách bài bản, tổng thể. Việc bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long sẽ được tính toán hiệu quả hơn khi đặt trong sự phát triển với các ngành, lĩnh vực liên quan.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 20 năm ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần 2. (Ảnh:K.T) |
Với thành phố Hạ Long, sự sáp nhập và mở rộng này sẽ đáp ứng mọi yêu cầu phát triển mới về đất đai, dân số và cơ sở hạ tầng. Xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển, du lịch sinh thái rừng với không gian cảnh quan tự nhiên thân thiện; có dịch vụ du lịch với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Thành phố Hạ Long sẽ được định hướng và xây dựng thành thành phố phát triển kinh tế đa ngành, phù hợp với định hướng phát triển đô thị, góp phần quan trọng trong lộ trình nhiệm vụ nhằm xây dựng Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Uông Chu Lưu đánh giá cao quyết tâm chính trị, tư duy đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong việc nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa, thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương, pháp luật của Nhà nước trong đầu tư, phát triển và cải cách hành chính. Tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất với Trung ương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; trong đó có việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long để mở rộng không gian phát triển của thành phố Hạ Long phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đồng chí Uông Chu Lưu tin tưởng rằng đây sẽ là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển. Thành phố Hạ Long sẽ không còn bị giới hạn về địa giới hành chính. Điều đó sẽ giúp cho thành phố và tỉnh Quảng Ninh làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, đưa thành phố Hạ Long xứng tầm là thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Trên tinh thần đó, đồng chí Uông Chu Lưu đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững; giữ vững chủ quyền biên giới; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các khu danh thắng, di tích lịch sử.
Tiếp tục chăm lo và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bố trí đội ngũ cán bộ công chức bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, người lao động khi thực hiện nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long và tại các xã thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị của các đơn vị hành chính thực hiện sau sắp xếp; chú trọng bảo đảm ổn định về chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm đoàn kết và ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân; không để việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã làm ảnh hưởng đến các hoạt động của nhân dân.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố Hạ Long mới đồng bộ, hiện đại; sớm hoàn thành các dự án hạ tầng động lực, hạ tầng giao thông kết nối tuyến phía Đông của tỉnh (Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn - Hải Hà - Móng Cái) và kết nối tuyến phía Tây của tỉnh (Hạ Long - Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều), quan tâm đầu tư, xây dựng các tuyến đường kết nối lên các xã vùng cao, giao thông nội đô thị, quy hoạch cấp thoát nước, chiếu sáng khu vực Hoành Bồ (cũ); phấn đấu chậm nhất sau 5 năm nhập địa giới hành chính, thành phố Hạ Long hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại I, gắn với quy hoạch sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, có tầm nhìn dài hạn.
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin. Tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá - xã hội; cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, y tế, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; đảm bảo giảm nghèo bền vững, quan tâm chăm lo tới gia đình chính sách, người có công với cách mạng; đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; chú trọng công tác bảo vệ môi trường.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp hữu hiệu để giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân nhất là trong dịp Tết nguyên đán 2020. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.
Đồng chí Uông Chu Lưu tin tưởng rằng với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, sự hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước, với truyền thống cách mạng, tinh thần kỷ luật, kỷ cương, sự đồng lòng, đồng sức của Nhân dân và cả cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục có bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trên con đường đổi mới và phát triển./.