Phát triển giao thông nông thôn, điểm tựa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
(ĐCSVN) - Huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đã tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phát triển đô thị hài hòa với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Và quan trọng nhất ý Đảng đã hợp với lòng dân nên việc triển khai nhanh chóng đạt kết quả như mong muốn.
Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ vào tận ngõ xóm trên toàn huyện |
Đưa nghị quyết vào thực tiễn
Với phương châm phát triển giao thông để làm giàu cho địa phương, đường rộng đến đâu thì giàu đến đó. Huyện ủy Đại Từ đã xây dựng, ban hành Nghị quyết 07 ngày 10/5/2023 về lãnh đạo thực hiện phong trào “mở rộng đường xóm 6 m” giai đoạn 2023 - 2025. Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và tiếp tục lan tỏa phong trào này tới 29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện và đạt kết quả trên cả sự mong đợi.
Tính hết đến tháng 6 năm 2024 huyện Đại Từ đã tập trung chỉ đạo vận động nhân dân hiến đất, hiến tài sản trên đất giải phóng mặt bằng mở rộng được gần 238 km đường xóm từ 6 mét đến 7 mét, trên tổng số 373 mét đường xóm, ngõ xóm cần mở rộng; thi công nền đường gần 200km, đổ bê tông mở rộng mặt đường trên 90km, nhân dân đã hiến gần 50 ha đất, giá trị đất và tài sản trên đất ước gần 80 tỷ đồng; thực hiện di chuyển gần 700 cột điện các loại. Xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 19 tuyến đường huyện quản lý, chiều dài là 133,9km, với tổng mức đầu tư dự kiến 232,8 tỷ đồng. Huyện đã phát động ra quân lao động tình nguyện tại các xã, thị trấn, huy động được 94.840 lượt người tham gia, trong đó: Thành viên các tổ công tác của huyện, cán bộ, công chức cấp xã là 9.975 lượt người; nhân dân tại 29 xã, thị trấn cùng tham gia là 84.865 lượt người.
Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn Đại Từ có đường ô tô kết nối giữa các xóm, giữa các xã, kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính, bảo đảm đi lại thuận tiện. Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển nên thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao; 100% các xóm thực hiện phong trào mở rộng đường 6 mét.
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Đại Từ Nguyễn Mạnh Hoạt: Huyện huy động các nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nội huyện, từng bước hoàn thiện, đồng bộ, tiến tới hình thành mạng lưới giao thông kết nối từ huyện đến xã, từ xã đến xóm. |
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Hoạt, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Đại Từ cho biết: “Khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương của huyện chưa đạt tiêu chí giao thông. Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đại Từ huy động các nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nội huyện, từng bước hoàn thiện, đồng bộ, tiến tới hình thành mạng lưới giao thông kết nối từ huyện đến xã, từ xã đến xóm, kết nối giữa các xã, đảm bảo giao thương thuận lợi với các địa phương trong huyện và ngoài huyện”.
Diện mạo mới trên quê hương miền múi
Đi trên con đường làng rộng tới 6m mới làm, ông Đỗ Xuân Duyên, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vui mừng chia sẻ: La Bằng hiện có 7,17 km đường trục xóm và đường liên xóm, nhỏ hẹp và chỉ rộng từ 3 - 4 m trong khi nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản, vật liệu xây dựng, phát triển du lịch… ngày càng cao, cho nên việc mở rộng đường là cần thiết, cấp bách. Bởi nếu để lâu việc Nhân dân xây dựng các công trình trên đất ngày càng nhiều, giá trị ngày càng cao, việc hiến đất mở đường sẽ ngày càng khó khăn hơn. Cho nên, Đảng, chính quyền địa phương đã bàn và thống nhất phải mở đường càng sớm càng tốt. Trên cơ sở đó, Đảng ủy xã La Bằng đã bắt tay thực hiện Nghị quyết 07 của Huyện ủy về phong trào mở đường 6 m, rồi tổ chức thực hiện tới từng chi bộ thôn, xóm. Với quan điểm đảng viên đi trước, làng nước theo sau, không bao lâu sau, 9 xóm trong xã hoàn thành mở đường 6 m.
Đặc biệt, Đại Từ là huyện miền núi với thiên nhiên rất thuận lợi cho phát triển cây chè, diện tích trồng chè chiếm 30% trong toàn tỉnh. Tổng diện tích chè trên địa bàn huyện là 6.598,6 ha, diện tích chè kinh doanh là 6.215 ha, diện tích chè giống mới 5.300 ha, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.836 ha; đã có 03 vùng sản xuất chè được lập quy hoạch chi tiết gắn với phát triển du lịch tại các xã Phú Xuyên, La Bằng, Hoàng Nông, Tân Linh với tổng diện tích 230ha. Thêm vào đó là hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, nên việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn rất cần thiết.
Vườn chè VietGAP của HTX chè La Bằng |
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hải – Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết: “Phong trào mở rộng đường 6m rất có ích cho việc phát triển kinh tế của Nhân dân trên địa bàn xã La Bằng. Đường giao thông nông thôn được mở rộng thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với thực tế của địa phương, đưa thương hiệu chè La Bằng đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Trước kia khi chưa có đường giao thông thuận lợi, du khách rất khó để đến với các điểm du lịch trong khu dân cư, nhưng nay, trên con đường bê tông trải rộng, thẳng tắp, du khách có thể đi thăm quan La Bằng với hàng loạt thắng cảnh đặc sắc, khám phá suôi nguồn xanh mát, tham quan Vườn quốc gia Tam Đảo; có thể dừng xe lên đồi chè chụp ảnh và cùng bà con nơi đây hái chè, hoặc vào thăm các cơ sở sản xuất chè, được thưởng trà và nghe giới thiệu về quy trình sản xuất cũng như những sản phẩm trà ngon nổi tiếng”.
Có thể thấy, Đại Từ đã đưa ra Nghị quyết hợp ý đảng, lòng dân, tên nghị quyết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung rõ ràng, người thụ hưởng trực tiếp là Nhân dân. Trong quá trình đó, huyện có hỗ trợ hợp lý, huy động tất cả hệ thống chính trị, mọi người dân, mọi tổ chức, mọi cá nhân, doanh nghiệp đều tham gia, đều có trách nhiệm và quyền lợi trong đó... cho nên Nghị quyết nhanh chóng được đón nhận và đi vào cuộc sống như một nhẽ tự nhiên - ý Đảng lòng dân là một./.