Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát triển giao thông đường bộ xanh hướng đến Net Zero 2050

Thứ Ba, 18/06/2024 21:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chiều 18/6, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Phát triển giao thông đường bộ xanh hướng đến Net Zero 2050”. Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, tại Hội nghị COP26 (Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) diễn ra vào tháng 11/2021, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Các đại biểu cho rằng, ngoài việc khuyến khích phương tiện sử dụng năng lượng xanh, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt điện; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như trạm sạc, cơ sở bảo dưỡng; có chính sách ưu đãi với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng khi sản xuất và sử dụng phương tiện năng lượng xanh. Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ số vào sử dụng và quản lý các phương tiện giao thông...

Cam kết của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đi liền với thời tiết cực đoan đã trở thành xu hướng rõ rệt; nhiều năm đã đánh dấu các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, bao gồm các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng…, ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Là một trong những nguồn phát thải lớn, ngành giao thông vận tải không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam. Đặc biệt, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành, vì vậy, nhiệm vụ phát triển giao thông đường bộ xanh càng trở nên cấp thiết.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học. Ảnh: Duy Thông

“Phát triển giao thông đường bộ xanh này không chỉ nhằm góp phần thực hiện cam kết Net Zero mà còn là cơ hội để ngành giao thông vận tải hiện đại hóa, bắt kịp với xu thế và trình độ tiên tiến của thế giới”, Phó Tổng Biên tập Lê Thanh Kim nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã rất quan tâm thúc đẩy các giải pháp nhằm giảm phát thải. Tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ban hành tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành với các mục tiêu, lộ trình thực hiện, nhiệm vụ và giải pháp hết sức rõ ràng, cụ thể.

Tại hội thảo, các ý kiến đều khẳng định, ngành giao thông vận tải là một trong những ngành phát thải carbon và khí metan lớn, đặc biệt vì điều kiện kinh tế và thói quen, người dân chưa sử dụng nhiều các phương tiện giao thông công cộng mà chủ yếu sử dụng các phương tiện cá nhân như xe ô tô, xe máy để đi lại khiến cho lượng khí thải thải ra môi trường ngày càng lớn. Do đó, cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng là nhiệm vụ rất quan trọng trong hành trình tiến đến Net Zero vào năm 2050.

Thảo luận về các giải pháp giúp cắt giảm phát thải hiệu quả trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các đại biểu cho rằng, chuyển đổi từ phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid; tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhất là xe bus điện, là những giải pháp quan trọng để giảm phát thải ròng. Vấn đề đặt ra ở đây là cần có thêm các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích đưa xe điện, xe hybrid thay thế xe xăng trong hoạt động vận tải đường bộ. Cùng với đó, phải phát triển hệ thống giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt điện; đồng thời phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như trạm sạc, cơ sở bảo dưỡng; có chính sách ưu đãi với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng khi sản xuất và sử dụng phương tiện năng lượng xanh. Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ số vào sử dụng và quản lý các phương tiện giao thông...

Dự kiến tại Kỳ họp thứ Bảy đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Đường bộ. Ý kiến thảo luận, chia sẻ của các diễn giả hôm nay sẽ là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng như với Chính phủ trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về giao thông đường bộ, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN