Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát triển doanh nghiệp công nghệ số góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

Thứ Hai, 11/12/2023 19:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V nhằm truyền tải những tư tưởng cốt lõi về phát triển công nghệ số, tinh thần Make in Viet Nam, ứng dụng số để giúp tăng doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động; phát triển doanh nghiệp công nghệ số, góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Ngày 11/12, tại Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn 

Dự và phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng các đơn vị đã đạt được Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023, đồng thời đặt kỳ vọng vào sự phát triển nhanh chóng của lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam, với những giải pháp, công nghệ, ứng dụng số không ngừng đem đến sự đổi mới, bứt phá cho tất cả các lĩnh vực, mọi mặt kinh tế - xã hội, có những sản phẩm mang tầm cỡ quốc gia, khẳng định vị trí của Việt Nam trên thế giới.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Diễn đàn là thời điểm để nhìn lại, tổng kết, đánh giá sự phát triển, tôn vinh các doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu thông qua Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam. Đây là những sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Nhìn lại chặng đường 4 năm qua, từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Vietnam - Làm ra tại Việt Nam của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%, với 1.400 doanh nghiệp, doanh thu tiến dần đến mốc 10 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực. Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược Quốc gia về phát triển Công nghiệp bán dẫn. Đây là ngành công nghiệp nền tảng và không chỉ có vậy, đó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, phát triển Công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.

Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp Chuyển đổi Số, Công nghiệp Chuyển đổi Số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành Công nghiệp bán dẫn nước nhà.

"Công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái có tính toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái trong nước và toàn cầu. Vừa có tự chủ, vừa có hợp tác quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn phải tiến tới một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, không chỉ là một vài công đoạn. Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, có thể còn nhanh hơn. Chỉ có một chuỗi cung ứng quốc gia đầy đủ thì mới đáp ứng được tốc độ nhanh và giá thành thấp," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Bộ Thông tin và Truyền thông công bố và trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023

Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V là sự kiện nhằm truyền tải những tư tưởng cốt lõi về phát triển công nghệ số, tinh thần Make in Viet Nam, ứng dụng số để giúp tăng doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động; phát triển doanh nghiệp công nghệ số góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Diễn đàn bao gồm một phiên chính và các phiên chuyên đề. Tại phiên chính, các diễn giả chia sẻ các câu chuyện thành công trong việc ứng dụng số, tạo ra các sản phẩm số ứng dụng trong thực tiễn, giúp thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới. Tại các phiên chuyên đề, các diễn giả sẽ trao đổi, thảo luận về việc phát triển các sản phẩm dựa trên công nghệ mới như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn và việc đưa chúng ra thị trường trong nước và quốc tế.

Các diễn giả cũng trao đổi, thảo luận về những rào cản, thách thức và giải pháp đột phá để cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm, giải pháp, dịch vụ trên nền tảng các công nghệ số mới cho thị trường.

Cũng tại Diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức trong nước đã có sản phẩm, giải pháp và dịch vụ công nghệ số xuất sắc.

Bên lề Diễn đàn có các triển lãm trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm trực tiếp về các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, thể hiện năng lực của các doanh nghiệp công nghệ số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số./.

Tin, ảnh: Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN