Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh
(ĐCSVN) - Từ ngày 31/3 - 1/4/2024, tại TP. Hạ Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”.
Theo đó, Sở NN&PTNT Quảng Ninh, Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư và Báo Nông nghiệp Việt Nam được giao phối hợp tổ chức thực hiện sự kiện trên. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chủ trì, dự kiến thu hút khoảng 300 - 350 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thể mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Astralia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan, UNDP, FAO, IUCN, FFW, SNV... Hội nghị được tổ chức phát trực tiếp (livestream) trên các nền tảng đa phương tiện của Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Quang cảnh họp báo (Ảnh: HNV) |
Các thông tin trên được nêu lên tại họp báo về Hội nghị diễn ra tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Hà Nội chiều ngày 25/3 thu hút đông đảo các cơ quan báo chí Trung ương, ngành và Hà Nội tham dự. Chủ trì họp báo gồm: ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản; ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cùng ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam
“Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau”
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành một số chính sách, chương trình khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển. Nhờ vậy, ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi, lồng bè, vật liệu mới), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ… Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.
Để cụ thể hóa chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD. Đồng thời, định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại. Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi biển (Ảnh: PV) |
Các đại biểu tham dự họp báo đều nhất trí cao với nhận định của Ban tổ chức rằng, tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có. Nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ, đặc biệt là về công nghệ và cơ chế chính sách trong cấp phép giao mặt biển.
Như khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, với thông điệp Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan phát động: “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau”, thông qua Hội nghị tổ chức lần đầu tiên này, cùng nhau khẳng định cam kết, vai trò của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo tồn, gìn giữ, cân bằng hệ sinh thái biển trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo hài hòa sinh kế của người dân cũng như lan tỏa thông điệp “Chúng ta nuôi biển, chúng ta nuôi bờ, chúng ta nuôi và xây dựng một hệ sinh thái kinh tế môi trường biển cho hôm nay và cho thế hệ mai sau”.
“Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh ven biển nói chung; Nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; Triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, tháo gỡ khó khăn trong cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Hội nghị cũng sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị, đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (đứng) trả lời báo chí tại họp báo (Ảnh: HNV) |
Đáng chú ý, sẽ triển khai công bố khu vực biển để thu hút đầu tư nuôi biển và ký cam kết MOU hợp tác phát triển nuôi biển với một số nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.
Đồng thời, trong khuôn khổ Hội nghị cũng sẽ trưng bày, giới thiệu những thành tựu công nghệ, thiết bị nuôi biển, những sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản của tỉnh Quảng Ninh.
Chương trình cụ thể của Hội nghị trong các ngày 31/3 đến ngày 1/4 gồm có: khảo sát khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần, Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn (sáng 31/3); Tham quan, chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi biển và Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản (chiều 31/3), “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” (sáng 1/4).
Đây là một trong những hội nghị quy mô và tầm cỡ nhất về nuôi biển từ trước tới nay tại Việt Nam, dự kiến thu hút khoảng trên 350 đại biểu tham dự trực tiếp và nhiều đại biểu trong, ngoài nước dự trực tuyến qua nền tảng zoom hoặc theo dõi truyền hình trực tiếp qua các nền tảng điện tử của báo Nông nghiệp Việt Nam theo đường dẫn nongnghiep.vn. Hội nghị còn đón nhận sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX nuôi biển; ngoài ra còn có sự hiện diện của đông đảo chuyên gia, viện nghiên cứu, đại sứ, tham tán, các tập đoàn lớn đến từ các quốc gia có công nghệ nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Hoa Kỳ, Úc, Na Uy, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…; các tổ chức quốc tế quan tâm nuôi biển của Việt Nam như: Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), DN quốc tế, hội doanh nhân Việt Kiều…
Khẳng định tại họp báo, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản Thực tế chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có 3 mặt giáp biển, thiên nhiên ưu đãi nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển và nuôi biển đã được Chính phủ, Bộ NN&PTNT xác định là một trong những mũi nhọn ưu tiên và đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1664 ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bên cạnh những thuận lợi, phát triển nuôi biển tại nước ta hiện cũng đang gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Đặc biệt là những vấn đề về cơ chế chính sách; khoa học công nghệ; liên kết sản xuất; nguồn lực đầu tư và vấn đề cấp mã số vùng nuôi phục vụ phát triển nuôi biển bền vững. “Do đó, từ việc thí điểm tại Quảng Ninh, Cục sẽ tiếp tục có tổng kết, rút kinh nghiệm xây dựng các bộ tiêu chí, quy chuẩn hợp cách phổ biến rộng rãi theo chính sách của Nhà nước về nghề nuôi biển, đáp ứng các yêu cầu bảo hiểm và phát triển nghề bền vững, hội nhập tích cực, hiệu quả”. Dịp này, ông Trần Đình Luân cũng nhấn mạnh tới độ trễ của chính sách so với diễn biến thực tế và đó hoàn toàn là diễn biến khách quan, cần thời gian để hoàn thiện, từng bước góp phần điều chỉnh hài hòa giữa thực tiễn và chính sách.
Với mong muốn có cách nhìn toàn diện hơn về nuôi biển, từ tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức và tìm kiếm giải pháp, “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” mong muốn là cầu nối để các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan nuôi biển tại Việt Nam hiện nay cũng như trên thế giới, mục tiêu cao nhất là góp phần phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững.
Đặc biệt, Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên, cầu nối thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào nuôi biển, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới.