Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy vai trò nòng cốt người uy tín trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ Hai, 17/10/2022 11:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở Nghệ An, không chỉ thể hiện vai trò quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, mà họ còn khẳng định vai trò xung kích, đi đầu trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, là tấm gương cho đồng bào noi theo.

Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 16.487 km2; đơn vị hành chính gồm 01 thành phố trực thuộc tỉnh, 03 thị xã, 17 huyện. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu ở 11 huyện, 01 thị xã. Dân số toàn tỉnh trên 3,3 triệu người, trong đó vùng dân tộc thiểu số và miền núi có hơn 1,2  triệu người (chiếm 36 % dân số toàn tỉnh). Đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh; có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Ban Dân tộc, UBND các huyện, thị xã phối hợp các cấp, các ngành phổ biến, quán triệt thường xuyên, kịp thời về tiêu chuẩn, quy trình, nguyên tắc bầu chọn người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín đến các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Dân tộc là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã tham mưu thực hiện. Theo đó, hàng năm Ban Dân tộc chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc UBND các huyện, thị xã trong công tác rà soát đưa ra và bình chọn, đề nghị công nhận bổ sung người có uy tín theo quy định. Đồng thời, Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổng hợp, thẩm định danh sách người có uy tín trình UBND tỉnh quyết định. Số người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 - 2021 có 3.718 lượt người.

Trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước đến các làng bản, gia đình, họ tộc; đồng thời tuyên truyền trực tiếp đến từng cá nhân, từng hộ gia đình trong thôn, bản bằng việc làm cụ thể, điển hình như ông Lỳ Nọ Pó, bản Na Niếng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong; bà Lu Thị Lương, Bản Thắm Men, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu; ông Lương Tiến Cẩn, bản Na Hiêng, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp; bà Hoàng Thị Quyết, làng Chong, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn…

Người có uy tín trong đồng bào DTTS trở thành lực lượng nòng cốt của các phong trào giữ gìn bản sắc dân tộc. 

Chúng tôi đến thăm Lô Văn Huỳnh, dân tộc Thái ở thôn Dương Lễ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, ông chia sẻ: Tôi là thương binh ¼ nhưng thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thương binh tàn nhưng không phế, sau một thời gian được nuôi dưỡng tại gia đình, sức khỏe dần ổn định nên ông đã tham gia vào lực lượng công an xã. Trong quá trình công tác ông nhận thấy bản làng lâu nay rất vất vả, nhất là nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt là trong mùa khô, chính vì vậy năm 2015 ông đã bàn với cấp ủy xã Nghĩa Dũng làm cách nào để lấy nước về cho dân trong đó có gia đình mình. Nói thế ông đã bắt tay ngay cùng cấp ủy chính quyền đi vận động bà con trong thôn rồi báo cáo lên danh sách những người đăng ký, sau đó ông tổ chức đi khảo sát để xây bể nước tự chảy. Sau 14 ngày công trình đã được hoàn thành cấp nước cho 63 hộ dân, đến nay với 18 bể nước tự chảy đã cung cấp cho 146 hộ dân trong thôn. Năm 2022 Ban Chỉ đạo phong trào thi đua Dân vận khéo huyện Tân Kỳ đã công nhận hệ thông bể nước tự chảy là công trình Dân vận khéo. Với những việc làm của ông Huỳnh mà đến năm 2018 ông đã được bà con trong thôn, xã bầu là người uy tín.

Ông Lô Văn Huỳnh bên mô hình hệ thống nước tự chảy 

Ngoài ra người có uy tín trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn là những người tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động đồng bào áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; phát huy giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc đồng thời xóa bỏ các tập tục, hủ tục lạc hậu; xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Chính nhờ vậy mà người uy tín được bà con trong dòng tộc cũng như trong thôn bản kính nể, tôn trọng, vị trí, vai trò phạm vi ảnh hưởng rất lớn.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó cán bộ, công chức, viên chức thuộc các ngành Dân vận, Dân tộc, Công An, UBMT Tổ quốc, Biên phòng và các đoàn thể, các cơ quan được giao làm công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở các cấp giữ vai trò nòng cốt. Với đặc điểm của một tỉnh đất rộng, người đông có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách dân tộc đã đến được thực hiện kịp thời, đầy đủ, nhờ vậy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm…, đạt được những thành quả đó không thể không kể đến sự đóng góp quan trọng, to lớn của những người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động, đi đầu gương mẫu trong mọi mặt của đời sống xã hội trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

NS

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN