Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị

Thứ Sáu, 18/11/2022 09:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 191 Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, vận động đồng bào DTTS tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương.

Người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình, luôn gương mẫu đi đầu, tích cực tuyên truyền, vận động dòng tộc, người thân và người dân ở thôn, bản xóa bỏ dần các hủ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vận động Nhân dân lao động sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đấu tranh với các âm mưu gây chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, hưởng ứng và tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại thôn bản, bảo vệ đường biên, cột mốc...

 Nhiều năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn phát huy tốt vai trò, chức năng đối với cộng đồng nơi cư trú. Ảnh: Khánh Ngân 

Theo đồng chí Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp UBND các huyện vùng đồng bào DTTS thực hiện quy trình bình chọn, rà soát từ cộng đồng thôn bản, đề nghị UBND tỉnh quyết định công nhận Người có uy tín hằng năm. Đồng thời, thực hiện chính sách cung cấp thông tin cho Người uy tín, thông qua việc cấp Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Quảng Trị. Hỗ trợ, động viên tinh thần Người có uy tín khi ốm đau/Người có uy tín hoặc thân nhân Người có uy tín qua đời.

Ban Dân tộc tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc rà soát, đánh giá, kiểm tra lại chính sách đối với Người uy tín, qua phân tích tỷ lệ thành phần, tuổi đời Người có uy tín giai đoạn 2011 - 2021 và hằng năm cho thấy, có đến 44,8% tổng số lượt Người có uy tín là già làng được bình chọn, với độ tuổi trung bình trên 63 tuổi.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người chủ yếu dùng những kinh nghiệm và hiểu biết đã cũ, ngại cập nhật thông tin mới, nên khó tiếp cận được với lớp người trẻ; sức khỏe kém, khó đi lại trong các tổ, xóm dân cư (đặc biệt các thôn bản sau sáp nhập có địa bàn rất rộng). Việc già hóa độ tuổi làm cho đội ngũ Người có uy tín, có nhiều biến động hằng năm (số lượng người phải thay thế do sức khỏe yếu), dẫn đến thiếu ổn định, người mới phải mất nhiều công sức thâm nhập với quần chúng.

Số lượng Người có uy tín là đảng viên chiếm tỷ lệ thấp (6%/tổng số) dẫn đến khó khăn trong việc phối hợp hành động giữa Bí thư Chi bộ Đảng ở thôn, Trưởng thôn và các tổ chức đoàn thể với già làng, trưởng bản, Người có uy tín.

Ngoài ra, số lượng Người có uy tín có điều kiện về kinh tế có thể hướng dẫn giúp đỡ đồng bào, được đồng bào tín nhiệm nghe và làm theo, như người sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi, chỉ có 3,8% tổng số Người có uy tín, dẫn đến hiệu ứng tiên phong lan tỏa trong hướng dẫn cộng đồng phát triển sản xuất còn hạn chế.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị trước nhiều cơ hội thay đổi. Ảnh: NT  

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp thực hiện giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, còn chồng chéo, chưa kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phát huy vai trò của Người có uy tín. Tiêu chí, đối tượng, điều kiện về phân cấp quản lý Người có uy tín đối với cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện chưa được quy định, nên việc thực hiện chính sách còn một số điểm trùng lặp trong thực hiện...

Trước những khó khăn, vướng mắc như đã nêu, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung ương quan tâm điều chỉnh các điểm khoản, điều quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, bổ sung Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn Người có uy tín theo phân cấp quản lý Trung ương, tỉnh, huyện, xã; tiêu chí quy định cụ thể về lực lượng cốt cán trong đồng bào DTTS để thực hiện bảo đảm về đối tượng tại nội dung Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín - Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ban hành Quy định về Tiêu chí xác định Tết của các DTTS. Ban hành Chương trình phối hợp công tác giai đoạn và hàng năm, văn bản liên tịch hướng dẫn thực hiện chính sách Người có uy tín giữa Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN