Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình
(ĐCSVN) - Những năm qua, tỉnh Quảng Bình luôn dành sự quan tâm đặc biệt và triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, đội ngũ người có uy tín đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương...
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình có 61 xã, thị trấn, với diện tích tự nhiên 6.649km2, chiếm trên 3/4 diện tích tự nhiên của tỉnh. Dân số đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có gần 6.600 hộ với trên 27.150 nhân khẩu; trong đó chủ yếu là dân tộc Bru - Vân Kiều và Chứt; ngoài ra còn có một số dân tộc thiểu số khác như Tày, Thái, Mường, Nùng...
Ông Hồ Xây, người có uy tín ở bản Rôông (xã Trọng Hóa) miệt mài với nghề đan lát và truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ảnh TL |
Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã phát huy được vị trí, vai trò làm cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể với nhân dân vùng dân tộc thiểu số để truyền tải và triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là những tấm gương sáng trong việc nghiên cứu, học tập chủ trương và chính sách mới của Đảng và Nhà nước; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; vận động bà con giữ gìn an ninh biên giới, tăng gia phát triểnsản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Nhiều năm qua, với vai trò là NCUT ở bản Hóa Lương (xã Hóa Sơn), ông Cao Duy Ư đã dành trọn tâm huyết tuyên truyền và vận động bà con đồng bào người Sách, người Rục nơi đây chăm chỉ lao động, sản xuất. Vốn là Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Hóa Sơn, sau khi nghỉ hưu, ông Ư vẫn luôn giữ vững bản lĩnh của người cán bộ mặt trận và tiếp tục có nhiều cống hiến cho địa phương.
Ông Ư luôn tâm niệm, để dân hiểu, dân tin và làm theo những chủ trương của Đảng, Nhà nước thì bản thân mình phải thật sự gương mẫu trong tất cả các phong trào ở địa phương. Vì vậy, thời gian qua, ông đã vận động con cháu trong gia đình và bà con dân bản luôn chấp hành pháp luật, không rượu chè, cờ bạc, phá rừng mà phải chăm lo phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Cũng giống như ông Ư, ông Hồ Pheo, NCUT ở bản Ka Ai (xã Dân Hóa) được biết đến như một điển hình về tinh thần gương mẫu, đi đầu, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào người Khùa, người Mày nơi đây. Không chỉ nêu gương trong phát triển kinh tế gia đình, ông Pheo luôn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con về cách chọn giống, kỹ thuật nuôi trồng để có năng suất, thu nhập cao.
Nhờ vậy, từ chỗ chỉ biết trồng lúa rẫy bằng phương thức “phát, đốt, cốt, trỉa” và chăn nuôi thả rông theo kiểu nhờ trời, đến nay, người Khùa, người Mày ở đây đã biết đầu tư chuồng trại để chăn nuôi, trồng rừng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, cùng với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng và hướng dẫn của ông Pheo, đồng bào người Mày ở bản Ka Ai đã sản xuất được lúa nước. Ông Hồ Pheo cũng là người tiên phong xóa bỏ những hủ tục, khuyến khích con cháu học hành và tuyên truyền bà con dân bản phòng, chống dịch Covid-19.
Còn đối với Người có uy tín Hồ Xây được người dân ở bản Rôông, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình gọi là “nghệ nhân” của bản. Cách gọi đầy quý trọng ấy xuất phát từ việc ông luôn nhiệt huyết, đam mê bảo tồn, trao truyền nghề đan lát và các giá trị văn hóa dân tộc cho các thế hệ trẻ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng nói chuyện cùng các đại biểu tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Võ Dung |
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp Mặt trận tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách đại đoàn kết dân tộc; tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động để đồng bào các dân tộc hiểu và chấp hành đúng Chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thôn bản; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác giám sát phản biện về thực hiện chính sách dân tộc; thường xuyên nắm bắt, tập hợp tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, kịp thời kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền xem xét, giải quyết tốt những yêu cầu chính đáng, hợp pháp; không ngừng phát hiện, nhân rộng và phát huy tốt vai trò của người tiêu biêu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của địa phương./.