Phát huy vai trò người có uy tín của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang
(ĐCSVN)- Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hà Giang rất quan tâm đến đội ngũ người có uy tín vì đội ngũ này đã và đang là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền đến với người dân
Hiện nay, tỉnh Hà Giang có 1983 người có uy tín, đại diện cho 16 dân tộc bản địa đang sinh sống trên địa bàn, trong đó còn 3 dân tộc chưa có NCUT gồm: Thái, Sán Chay, Sán Rìu. Trong 1983 người có: Nam 1859 người, nữ 125 người; Dân tộc Mông: 694 người, Tày 452 người, Dao 359 người, còn lại là các dân tộc khác... Người có uy tín cao tuổi là những người được bầu chọn nhiều năm và đóng góp tích cực trong tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn và gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tham gia tích cực các hoạt động của thôn, tổ dân phố phát động. Đồng thời, nhiều người có uy tín tham gia làm hội viên “Hội nghệ nhân dân gian”, thông qua hoạt động của Hội, Người có uy tín đã phát huy vai trò trong các lĩnh vực như tín ngưỡng dân gian: Hiện có hơn 3000 hội viên hoạt động trên lĩnh vực tín ngưỡng dân gian, trong đó có 22 người được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”. Đội ngũ này chủ yếu là thầy mo, thầy cúng, thầy tạo, xem tuổi, xem ngày...Đây là đội ngũ những người có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng dân cư, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ mê tín dị đoan và các thủ tục lạc hậu, xoá bỏ tình trạng ma chay kéo dài ngày, vận động và thực hiện người chết cho vào áo quan, không cúng khi ốm đau, ép duyên, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, thách cưới... đồng thời giúp nhân dân giải toả về mặt tư tưởng, giảm gánh nặng về kinh tế, củng cố niềm tin về mặt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép, hạn chế kẻ xấu lợi dụng để truyền đạo trái pháp luật. Đồng thời vận động nhân dân thực hiện tốt Quy ước, Hương ước làng bản...Trong lĩnh vực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc: Hoạt động giữ gìn và bảo tồn văn hoá truyền thống được gắn với thực hiện các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng Làng văn hoá du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tiêu biểu. Hiện nay có hơn 3150 hội viên hoạt động trên lĩnh vực này, đặc biệt có 18 Người có uy tín được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”. Những Hội viên này tích cực tham gia thực hiện sưu tầm, phục dựng và tổ chức lễ hội truyền thống của các dân tộc và tạo nên những nét văn hoá đặc sắc riêng cho tỉnh Hà Giang. Điển hình như: Lễ hội “Lồng tồng” của Dân tộc Tày, Lễ hội “Cấp sắc” “Cầu mùa” của dân tộc Dao, Lễ hội “Gầu Tào” của dân tộc Mông; Lễ hội “Cúng thần rừng”, Dân tộc Pu Péo, của dân tộc Nùng, Lễ hội Múa trống của dân tộc Giấy, Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội “Khu Cù Tê” của dân tộc La Chí... Đội ngũ này còn thường xuyên truyền dạy cho thế hệ sau về các phong tục tập quán tốt đẹp, giới thiệu, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc như hát sli, hát lượn, dân ca LôLô, dân ca Mông, các trò chơi dân gian như đánh yến, ném còn, đẩy gậy... hướng dẫn sử dụng một số nhạc cụ dân tộc truyền thống như khèn môi, khèn lá, sáo Mông. Trong lĩnh vực truyền và dạy nghề truyền thống các nghệ nhân, người có uy tín tận tình hướng dẫn truyền dạy một số nghề truyền thủ công truyền thống tại địa phương cho các thế hệ sau. Một số nghề được khôi phục và duy trì hoạt động sản xuất tốt để phục vụ du lịch như: Nghề thuê dệt thổ cẩm tại xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, xã My Bắc huyện Quang Bình, sản xuất Khèn Mông huyện Đồng Văn, nghề Chạm Bạc, dân tộc Dao tại xã Cao Bồ huyện Vị Xuyên, nghề rèn đúc tại huyện Mèo Vạc.
Một lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang. ảnh internet |
Ngoài ra, người có uy tín đã tích cực tham gia tuyên truyền vận động nhân dân và con cháu trong độ tuổi đến trường. Thường xuyên tuyên truyền vận động các hộ gia đình không để con em bỏ học, thất học. Người uy tín còn tham gia vào các phong trào xây dựng dòng họ hiếu học, thực hiện tốt phong trào khuyến học khuyến tài, tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các gia đình, dòng họ về xây dựng quỹ khuyến học và đăng ký con cháu học giỏi. Đồng thời người có uy tín đã phối hợp với cấp đảng ủy, chính quyền vận động con em tham gia các lớp dạy và học tiếng dân tộc nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người có uy tín tham gia, phối hợp với Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, mạn đàm, hướng dẫn, tổ chức vận động con cháu trong gia đình và cộng đồng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cụ thể hóa nội dung tuyên truyền như: Thành lập tổ đổi công, ký kết giao ước thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tham gia các hoạt động từ thiện, cam kết không để con cháu mắc các tệ nạn xã hội,...Vì thế trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đội ngũ người có uy tín vừa là tuyên truyền viên đắc lực vừa là những người tiêu biểu để cho cộng đồng noi theo.
Để khẳng định và phát huy vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, các sở ngành liên quan đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt chính sách đối với NCUT và định kỳ 2 năm rưỡi/lần tổ chức Hội nghị biểu dương Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và Miền núi, hàng năm đều lựa chọn NCUT tiêu biểu đi báo cáo thành tích với lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Nhân dịp Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu, Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Nghệ sỹ ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng cho những người có uy tín trên địa bàn...
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang trao Bằng khen và tặng hoa 30 người có uy tín tiêu biểu xuất sắc. ảnh Báo Công Thương |
Người có uy tín đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện và nghe theo. Tỉnh uỷ Hà Giang rất quan tâm, động viên Người có uy tín, ngoài các chính sách và hỗ trợ lễ, tết theo quy định, tỉnh đã vận động nguồn kinh phí xã hội hoá tặng quà cho 1978 người có uy tín trên địa bàn tỉnh... Đây là món quà hết sức ý nghĩa thể hiện sự quan tâm, động viên của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với Người có uy tín trên địa bàn, nhằm khích lệ tinh thần để người có uy tín luôn tích cực nâng cao vai trò của mình trong công tác truyện truyền, vận động và kết nối, bảo tồn, truyền dạy các giá trị văn hoá truyền thống cho các thế hệ sau.
Trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, luôn có sự đóng góp tích cực của người có uy tín bằng nhiều hình thức, nhiều phong trào và việc làm thiết thực, góp phần xây dựng làng bản, quê hương đất nước, giáo dục con cháu bảo tồn, phát huy giá trị đạo đức, phong tục tập quán, văn hoá truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc. Có thể khẳng định, người có uy tín là lực lượng nòng cốt hết sức quan trọng có ảnh hưởng rất lớn trong đồng bào dân tộc trên tất cả các lĩnh vực về đời sống, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho đồng bào, là cầu nối quan trọng gắn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ... Từ việc thực hiện có hiệu quả các nội dung của chính sách, trong những năm qua tỉnh đã xây dựng được đội ngũ NCUT trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, là hạt nhân nòng cốt đưa các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến thôn, bản, từng hộ gia đình, tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua tại cơ sở, giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt các vướng mắc, bức xúc trong đồng bào thiểu số, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương.