Phát huy vai trò nêu gương trong xóa bỏ hủ tục tập quán lạc hậu vùng đồng bào dân tộc Mông
(ĐCSVN) - Buổi gặp gặp cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mông do Huyện ủy Mèo Vạc tổ chức nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phát huy vai trò của CBCCVC là người Mông trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn dòng họ của người Mông xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Lê hội Gầu Tào của dân tộc Mông ở Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm) |
Ngày 20/12, Huyện ủy Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) tổ chức gặp mặt cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mông đang công tác trên địa bàn huyện.
Tại buổi gặp mặt, trên 200 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị và 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã được quán triệt Nghị quyết số 27 ngày 1/5/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025.
Qua đó, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CBCCVC là người dân tộc Mông trên địa bàn; tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác vận động, tuyên truyền để từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh. Đồng thời, nhằm phát huy vai trò của CBCCVC là người Mông trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn dòng họ của người Mông thực hiện các nghi lễ tổ chức đám tang truyền thống theo phương châm đơn giản, tiết kiệm.
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tuyên truyền xóa bỏ hủ tục; đưa những minh chứng, giải pháp, hiến kế để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên trong việc nêu gương thực hiện xóa bỏ hủ tục tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung. Qua đó, cùng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nếp sống văn minh.
Được biết, người Mông ở huyện Mèo Vạc chiếm trên 78% dân số toàn huyện. Trong đời sống sinh hoạt có nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, truyền thống văn hóa đặc trưng, được thể hiện trong dân ca, dân vũ, trang phục, đám hiếu, hỷ, nghi thức thờ tổ tiên, kiến trúc nhà truyền thống… Tuy nhiên, bên cạnh những bản sắc văn hóa tốt đẹp, một bộ phận đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện còn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu như: Tảo hôn; tổ chức đám tang dài ngày, mổ nhiều gia súc; tổ chức đám cưới linh đình, thách cưới cao; chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường…