Phát huy vai trò của y tế cơ sở trong công tác phòng, chống lao
(ĐCSVN) - Để thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, trong năm 2023, Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam đề cao và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở.
Ngày 18/8,tại Nghệ An, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức Hội nghị Sơ kết Chương trình Chống lao quốc gia 6 tháng đầu năm và phương hướng trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương/Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết, dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Mặc dù hệ thống phòng chống lao bao phủ rộng khắp trên toàn quốc, tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế nhưng vẫn còn khoảng đến 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện, điều trị và báo cáo.
TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương/Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: ĐT |
Để có thể thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, năm nay Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam đề cao và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hệ thống Y tế cơ sở, lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất, hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá mới trong việc phát hiện và điều trị, quản lý bệnh lao trong cộng đồng. Mạng lưới Y tế cơ sở đủ năng lực triển khai hoạt động rộng khắp chính là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao – kẻ giết người thầm lặng.
Theo đó, hệ thống phòng chống lao cần lồng ghép với hệ thống y tế chung, các dịch vụ khám chữa bệnh lao cần được bao phủ rộng khắp tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế nhằm đảm bảo người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện nhất với các dịch vụ khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lao để người bệnh được chẩn đoán bệnh sớm và đưa vào điều trị, cắt đứt nhanh nguồn lây bệnh trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, Chương trình Chống lao quốc gia/Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ nâng cao năng lực và đẩy mạnh vai trò tuyến y tế cơ sở trong phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao thông qua chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phòng chống lao các tuyến. Đây là yếu tố quan trọng để các dịch vụ khám chữa bệnh lao có chất lượng cao tới được với người dân.
Cùng với đó, Chương trình cũng đồng thời kết hợp với tuyên truyền, giáo dục về bệnh lao cho người dân, bệnh lao hoàn toàn có thể được chẩn đoán và điều trị khỏi như các bệnh hô hấp khác. Thông điệp này sẽ góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh lao trong cộng đồng, tăng sự chủ động của cộng đồng trong tiếp cận khám chữa bệnh lao, đây là yếu tố then chốt để làm giảm nhanh dịch tễ bệnh lao, hướng tới chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22,7% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.
Tuy vậy, năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021, mặc dù vậy, Chương trình cũng chỉ mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: ĐT |
Chương trình chống lao đã tập trung triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao ngay sau đại dịch COVID-19 nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, chẩn đoán và thu nhận vào điều trị.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) đã có sự cải thiện đáng kể để phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình so với cùng kỳ năm 2022, 2021 và thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm 2020, thời điểm COVID-19 chỉ mới xảy ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, do chỉ tiêu cam kết với quỹ toàn cầu cho giai đoạn 2021 – 2023 ở mức cao nhằm hướng đến quá trình thanh toán bệnh lao trong những giai đoạn tiếp theo, CTCLQG trong 6 tháng đầu năm cũng mới chỉ đạt được 37,1% chỉ tiêu kế hoạch cả năm (51.254 ca bệnh/chỉ tiêu 138.000 ca), do đó, CTCLQG sẽ gặp nhiều thách thức trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh việc khẩn trương triển khai hiệu quả các hoạt động dự án nguồn Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2021-2023, nguồn CDC, USAID, đã được Bộ Y tế và nhà tài trợ phê duyệt, Chương trình chống lao quốc gia tiếp tục hoàn thiện các quy trình vận động và tiếp nhận viện trợ cho hoạt động phòng chống lao giai đoạn tiếp theo, tích cực tham mưu Bộ Y tế và các bộ, ngành trình Chính phủ có các chính sách hỗ trợ người bệnh lao, mở rộng phát hiện chủ động tại cộng đồng, lồng ghép trong hệ thống y tế cơ sở, vận động sự cam kết và hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương cho công tác phòng chống lao…/.