Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai
(ĐCSVN) - Nhờ biết tận dụng, phát huy kinh nghiệm quý của những người uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số mà giờ đây ở Gia Lai cuộc sống của người dân ấm no, kinh tế phát triển ổn định, đặc biệt nhiều vụ việc mâu thuẫn được hòa giải, giảm khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp.
Hiện nay, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) có 77 tổ hòa giải, với 599 hòa giải viên, trong đó lực lượng chủ chốt là già làng và người có uy tín. Cùng với việc đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, người có uy tín còn nêu gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; lao động cần cù, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng trang trại, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, giúp nhau trong sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình và cộng đồng. Phát huy tốt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo.
Người uy tín hướng dẫn bà con người dân tộc thiểu số về công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương |
Điển hình như ông Rơ Ô Bhót, dân tộc Jrai ở buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, với vai trò là người có uy tín và là thành viên của tổ hòa giải ở cơ sở, ông đã tích cực tham gia hòa giải nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn tại địa phương.., qua đó hạn chế tình trạng đơn khiếu nại vượt cấp. Bên cạnh đó, ông còn phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Để làm tốt công tác vận động và hòa giải, ông Rơ Ô Bhót thường xuyên đến từng nhà, gặp gỡ bà con tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thuyết phục mọi người tin vào lẽ phải và phân biệt cái đúng, cái sai. Từ đó, người dân tự ý thức được việc làm của mình, tự hóa giải những mâu thuẫn nhỏ, sống hòa thuận và đoàn kết.
Ông Rơ Ô Bhót cho rằng công tác hòa giải là động lực, là yếu tố tác động đến tình cảm cộng đồng và gia đình. Phải tìm hiểu, nắm bắt rõ nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, từ đó mới thuyết phục, tuyên truyền có tình có lý để các bên mâu thuẫn đi đến đồng thuận. Người làm công tác hòa giải phải kiên trì, bình tĩnh, khéo léo, mềm dẻo giải thích thuyết phục mới đi đến thành công. Theo ông để thực hiện tốt công tác hòa giải thì người thực hiện công tác này phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân các dân tộc phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ thôn, xóm. Đoàn kết dòng họ, đoàn kết gia đình đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số dòng họ là yếu tố quan trọng.
Ông nói thêm: Công tác hòa giải, tuyên truyền vận động chưa bao giờ là dễ dàng, trong cộng đồng dân cư còn có một số cá nhân, hộ gia đình chưa thống nhất, còn có những khúc mắc, tiềm ẩn những mâu thuẫn đòi hỏi những người làm công tác hòa giải phải kiên trì vào cuộc, từ việc nắm bắt nguyên nhân, mâu thuẫn của các bên, để vận động hòa giải đi đến kết quả thành công.
Ông Rơ Ô Bhót (ngoài cùng bên trái ) trong một buổi đi hòa giải ở cơ sở |
Với kinh nghiệm của một Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Du, phát huy và làm tốt vai trò một Người có uy tín ông Rơ Ô Bhót luôn là người tiên phong gương mẫu, tận tụy vì cộng đồng, làm tốt công tác hòa giải ở địa phương trong nhiều năm. Đến nay ông cùng với lực lượng hòa giải viên trên toàn huyện hòa giải thành công 234 vụ việc, góp phần xây dựng tốt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo./.