Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật
(ĐCSVN) – Công tác xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam gắn liền với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết. Vai trò quan trọng là vậy, nhưng trên thực tế công tác này vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần phải được khắc phục để góp phần làm cho các văn bản pháp luật ngày càng sát với thực tiễn, có tính khả thi.
Chưa có sự chủ động theo kế hoạch xây dựng pháp luật
Là một bộ phận trong hệ thống chính trị của nước ta, MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, chiến đấu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Công tác xây dựng pháp luật vốn là công việc của Nhà nước, vì vậy, quy định MTTQ Việt Nam có quyền tham gia xây dựng pháp luật là những quy định thể hiện tính dân chủ trong xây dựng pháp luật của Nhà nước ta. Bản chất Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Nhà nước có dựa vào Mặt trận mới phát huy được đầy đủ quyền làm chủ và sức mạnh có tổ chức của toàn dân, cũng chính là sức mạnh của chính Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chức năng quản lý của mình…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, trong những năm qua, căn cứ vào quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên một số lĩnh vực có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Công tác này được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam coi trọng, thực hiện tích cực, từ khâu góp ý văn bản, đến cử các cán bộ có chuyên môn tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập dự án luật, pháp lệnh đồng thời quan tâm, tạo mọi điều kiện để các Hội đồng Tư vấn hoạt động có hiệu quả, đóng góp nhiều nội dung chất lượng, được cơ quan soạn thảo tiếp thu, góp phần làm cho các văn bản pháp luật được thông qua ngày càng sát với thực tiễn và có tính khả thi hơn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2009, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý phản biện 25 văn bản quy phạm pháp luật; năm 2010 góp ý, phản biện 30 văn bản quy phạm pháp luật; năm 2011 góp ý, phản biện 39 văn bản quy phạm pháp luật; năm 2012, góp ý, phản biện 38 văn bản quy phạm pháp luật; năm 2013 góp ý, phản biện 40 văn bản quy phạm pháp luật… Năm 2017, góp ý hơn 20 văn bản quy phạm pháp luật; phản biện xã hội đối với Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…. MTTQ nhiều địa phương cũng đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta.
Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động này của MTTQ Việt Nam còn hạn chế, đó là việc tham gia góp ý của MTTQ Việt Nam chỉ tiến hành khi được cơ quan Nhà nước đề nghị, khi có văn bản đề nghị góp ý, chưa có sự chủ động ngay từ đầu năm theo kế hoạch xây dựng pháp luật. Nhiều nội dung góp ý chỉ là câu chữ, chưa đề cập sâu đến những vấn đề nhân dân quan tâm. Một số nội dung ở một số dự thảo Luật được nhân dân, xã hội quan tâm nhưng chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo thông tin, giải đáp kịp thời.
Cùng với đó, việc tổ chức lấy ý kiến, tạo cơ chế thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận và đông đảo tầng lớp nhân dân tiếp cận dự thảo văn bản, tham gia góp ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Hồ sơ, tài liệu gửi lấy ý kiến nhiều dự án không đầy đủ, sơ sài, thiếu các thông tin cần thiết…
Nguyên nhân của một số hạn chế trên là do nhận thức của các cơ quan lấy ý kiến và của cả Mặt trận và các đoàn thể về nhiệm vụ này chưa đầy đủ. Các cơ quan chưa thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về lấy ý kiến và đánh giá tác động. Một số nội dung Mặt trận, đoàn thể cũng chưa đeo bám, nêu ý kiến tới cùng.
Cốt lõi là phát huy dân chủ
Từ những hạn chế đang tồn tại, tại Hội thảo khoa học “MTTQ Việt Nam với nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật” được tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải coi trọng việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, coi đây là một kênh quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Xây dựng cơ chế cụ thể để việc lấy ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của MTTQ Việt Nam thực sự có hiệu quả với những hình thức và phương pháp thực hiện khoa học; phạm vi và hình thức tham gia tương xứng và phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác, với chủ trương thực hiện xã hội hóa hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, tránh tình trạng nhiều dự án, dự thảo chính sách, pháp luật sau khi được đưa ra các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thảo luận thì mới nhận được phản ứng từ phía dư luận xã hội.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc MTTQ Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật. Đồng thời, cán bộ Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội cần phải sâu sát hơn với các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên để lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, của hội viên, đoàn viên đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước để có góp ý theo các hình thức quy định kịp thời. Thông qua hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, Mặt trận thường xuyên tổng hợp ý kiến, đề nghị, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân; có các hình thức phù hợp để kịp thời lắng nghe ý kiến của người có uy tín, tiêu biểu
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực góp ý, quy trình về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải được thực hiện một cách dân chủ, khoa học. Đặc biệt là phải công khai lấy ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, nhất là đối tượng liên quan trực tiếp, chịu tác động trực tiếp của văn bản, có như vậy, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới có tính khả thi cao. Cần phải công bố công khai quá trình hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để nhân dân, các tổ chức có liên quan có điều kiện trao đổi, bàn bạc, tham gia ý kiến ngay từ đầu vào quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng quy trình về xây dựng
và ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải được thực hiện một cách dân chủ, khoa học. (Ảnh: TA)
Từ thực tế tại địa phương, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình Đinh Trường Sơn, cho rằng: Việc góp ý của Ủy ban MTTQ trong tỉnh chỉ được góp ý khi các cơ quan nhà nước yêu cầu, đặc biệt khi những văn bản, nội dung liên quan đến sở, ngành thì với Hội đồng nhân dân có quy chế phối hợp thì cho ý kiến. Nhưng một số sở, ngành xây dựng chương trình, văn bản cũng liên quan đến quyền lợi nhân dân, đoàn thể nhưng không gửi sang đề nghị Mặt trận có ý kiến… Do đó, thời gian tới trong quá trình tổ chức các hoạt động góp ý cần phát huy vai trò, huy động trí tuệ của các vị ủy viên, các tổ chức thành viên, các nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia liên quan dự thảo văn bản pháp luật. Quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ MTTQ và các đoàn thể các cấp về trình độ chuyên môn, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá... để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra.
Cũng từ thực tế từ đơn vị, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thanh Cầm góp ý, cần đổi mới tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động tham mưu đề xuất, làm tốt công tác vận động thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, vận động, tập hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Song song với đó phải đổi mới tổ chức bộ máy đi đôi với xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Các đại biểu nhấn mạnh đến việc tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên nên có trọng tâm, trọng điểm, nêu rõ nội dung tổ chức hội nghị góp ý và phản biện xã hội một số dự thảo văn bản pháp luật trong Kế hoạch xây dựng pháp luật của Chính phủ và của Quốc hội hàng năm…
Có thể nói, MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong công tác tham gia xây dựng pháp luật. Nhiệm vụ này xuất phát từ quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản pháp luật liên quan và xuất phát từ đòi hỏi thực tế khách quan. Từ những ý kiến nêu trên, chúng ta có thể khẳng định, để MTTQ Việt Nam thực hiện tốt chức năng đoàn kết, tăng cường đồng thuận xã hội, cốt lõi là phải phát huy dân chủ, bảo đảm hài hòa giữa các lợi ích. Trong khi đó, các cơ chế chính sách hiện nay đều được thể chế bằng pháp luật, vì vậy MTTQ Việt Nam phải tích cực tham gia xây dựng pháp luật./.