Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy vai trò của Hội phụ nữ trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể

Thứ Sáu, 07/06/2019 09:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

​(ĐCSVN) – Việc thành lập và phát triển các mô hình kinh tế tập thể do Hội Phụ nữ đảm nhận đã phát huy vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương; cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên, phụ nữ.

Phát huy vai trò của các cấp Hội

Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở hội thành lập nhiều mô hình do phụ nữ làm chủ. Đến nay, các mô hình này đều phát huy hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, từng bước giải quyết những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

          Nhiều sản phẩm từ các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ được người tiêu dùng ưa chuộng - Ảnh: HM

Báo cáo từ Hội LHPN TP. Hà Nội cho biết: Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” với nhiều giải pháp và các hoạt động thiết thực hiệu quả, đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập được 7 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác và 13 tổ, nhóm liên kết để giúp phụ nữ liên kết, hỗ trợ lẫn nhau sản xuất, kinh doanh với lĩnh vực hoạt động đa dạng gồm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và theo xu hướng sản xuất kinh doanh tổng hợp gắn với dịch vụ phục vụ lợi ích cho hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết và thành viên.

Qua hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể đã tạo sự đoàn kết, gắn bó với nhau trong xóm, ngoài làng. Việc thành lập phát triển các mô hình kinh tế tập thể do Hội Phụ nữ đảm nhận đã phát huy vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong vệc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương; cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên, phụ nữ, nhân dân; góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế tại địa phương.

Hiện nay, nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ được Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp hỗ trợ thành lập hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, như: Hợp tác xã rau an toàn xã Tiền Lệ (Hoài Đức), thịt lợn sạch (Thạch Thất); nấm Sáng Thiện (Sóc Sơn), hoa lan (Phúc Thọ)... Đây là những mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ.

Nhiều mô hình hiệu quả do phụ nữ làm chủ

Xuất phát từ nhu cầu muốn được làm giàu của hội viên phụ nữ, Hội Phụ nữ xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ đã đăng ký thực hiện thành lập mô hình hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ do phụ nữ làm chủ. Hoạt động chính của hợp tác xã là: Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn và hướng hữu cơ do hội viên phụ nữ và nhân dân địa phương làm ra  hợp tác xã là đơn vị kết nối giữa người sản xuất và nhà tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Chị Nguyễn Thị Mùi, người sáng lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến cho biết: Đây là mô hình đầu tiên xuất phát từ ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ trên cơ sở thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Hợp tác xã được thành lập với mục tiêu hợp tác tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, tạo việc làm cho các thành viên, qua đó đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung của thành viên về kinh tế và đời sống, phục vụ và hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thêm lợi ích cho thành viên.

Nhờ có sự giúp đỡ của các cấp Hội, sản phẩm của các hợp tác xã,
tổ hợp tác được quảng rộng rãi đến đông đảo người tiêu dùng - Ảnh: HM

Hiện hợp tác xã được Trung tâm phát triển nông nghiệp tạo điều kiện áp dụng sản xuất mô hình lúa hữu cơ 10 ha, bưởi hữu cơ 1ha. Đây là hai loại cây trồng được xác định là hướng đi lâu dài của hợp tác xã.

Phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, Hội LHPN xã Yên Bài đã thành lập được tổ hợp hợp tác chăn nuôi bò sữa với 30 thành viên là hội viên phụ nữ xã. Từ khi được thành lập, các thành viên trong tổ có điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, thị trường, giá cả, tự chịu trách nhiệm với những sản phẩm làm ra. Nhờ có sự hỗ trợ của tổ hợp tác mà các thành viên trong tổ được vay vốn, tham gia các lớp tập huấn. Nhờ vậy các chị em đã có thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tế vào chăn nuôi của gia đình, chính vì vậy đàn bò phát triển tốt hơn, cho sữa nhiều hơn, chất lượng sữa tốt, có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chăn nuôi phát triển, nhiều gia đình hội viên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, điển hình như chị Nguyễn Thị Hồng, tổ Yên Bài 1, Bạch Thị Tạo tổ Yên Bài 2… các gia đình đều có thu nhập từ 10- 20 triệu đồng/ tháng.

Với nỗ lực của tổ hợp tác, sau một thời gian đi vào hoạt động, ban đầu quy mô đàn bò của các thành viên chỉ có 62 con, đến nay đã tăng 182 con. Chị Mùi khẳng định: mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa ở xã Yên Bài được hình thành và phát triển là một hướng đi đúng đắn, giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, thu nhập ổn định.

Hợp tác xã Nông sản phụ nữ Phú Xuân Hương (huyện Quốc Oai) gồm 3 tổ liên kết tại các xã Phú Cát, Đông Xuân và Nghĩa Hương, thu hút 50 hộ gia đình tham gia. Ngành nghề chính của hợp tác xã là sản xuất, chế biến nông sản an toàn dựa trên thế mạnh của từng xã, như: Nghĩa Hương cung cấp rau an toàn trồng trong nhà lưới, còn Đông Xuân và Phú Cát phát triển chăn nuôi, giết mổ theo quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm. Mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp ra thị trường trung bình từ 8 đến 9 tạ thịt lợn và gần 100 con gia cầm, hàng trăm trứng gà sạch…

Sau gần một năm hoạt động, Hợp tác xã Nông sản phụ nữ Phú Xuân Hương thường xuyên được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quốc Oai quan tâm, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn, đăng ký mã vạch sản phẩm, cơ sở vật chất trong phát triển hệ thống kinh doanh, bước đầu thiết lập được những đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao…/. 

Phạm Thị Hà - Khoa Nội vụ, trường Cao đẳng Sơn La

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN