Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu: Kinh nghiệm từ Binh đoàn 15

Thứ Năm, 09/06/2022 23:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ra đời trong thời kỳ đất nước bước vào công cuộc đổi mới, với muôn vàn khó khăn, thử thách, song Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã sớm nhận ra được điều đó để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý phù hợp, hiệu quả, ý chí, quyết tâm cao, góp phần tạo diện mạo mới cho Binh đoàn 15 trên vùng đất đại ngàn Tây Nguyên.

Phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu – Kinh nghiệm từ Binh đoàn 15

LTS: Là đơn vị kinh tế - quốc phòng, đứng chân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Binh đoàn 15 có nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng dân cư - xã hội trên địa bàn, góp phần tạo cho Tây Nguyên phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi giai đoạn, mỗi mô hình kinh tế đều có những khó khăn, thách thức chi phối đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động sản xuất - kinh doanh của Binh đoàn. Song, nhờ phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, từng bước mở ra hướng đi mới cho Binh đoàn trong tiến trình chinh phục tiềm năng, thế mạnh ở vùng đất đại ngàn Tây Nguyên.

Bài 1: Quyết tâm vượt khó của cấp ủy, người đứng đầu

(ĐCSVN) - Ra đời trong thời kỳ đất nước bước vào công cuộc đổi mới, với muôn vàn khó khăn, thử thách, song Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã sớm nhận ra được điều đó để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý phù hợp, hiệu quả, ý chí, quyết tâm cao, góp phần tạo diện mạo mới cho Binh đoàn 15 trên vùng đất đại ngàn Tây Nguyên.

Binh đoàn 15 tổ chức sơ kết công tác kết nghĩa với Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển chính trị cơ sở trọng điểm Quân đội Nhân dân cách mạng Lào   

Binh đoàn 15 - Tổng Công ty 15 là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, có chức năng tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với kinh tế, kinh tế với quốc phòng và xây dựng tổ chức cơ sở vững mạnh về quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Nhiệm vụ chủ yếu của Binh đoàn là thực hiện công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng trên địa bàn xây dựng các tiềm lực, góp phần đảm bảo vững chắc khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; thực hiện công tác dân vận, tham gia đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh; thực hiện nhiệm vụ Khu kinh tế - quốc phòng do Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao; chủ trì, phối hợp với địa phương, xây dựng mô hình phát triển kinh tế hàng hóa, sản xuất tập trung, hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công; hình thành các cụm, điểm dân cư trên tuyến biên giới, xây dựng địa bàn vững mạnh về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Qua quá trình phát triển, đến nay, Binh đoàn 15 có 7 công ty TNHH một thành viên, 10 chi nhánh Tổng Công ty hoạt động theo Luật doanh nghiệp, 01 trường trung cấp nghề, 01 bệnh viện đa khoa hạng 3 với 100 giường, v.v. Các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên địa bàn có 251 km đường biên giới tiếp giáp Campuchia và Lào, đan xen với 271 bản làng đồng bào dân tộc thiểu số của 28 dân tộc anh em.

Những khó khăn, thách thức

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Binh đoàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương quy hoạch các khu kinh tế - quốc phòng, khai hoang đồng ruộng, trồng trọt, chăn nuôi với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đảm bảo lương thực, thực phẩm, từng bước trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê) và ổn định dân cư; phát triển kinh tế đi đôi với giữ vững an ninh chính trị trên toàn tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên. Đồng thời, chủ động đổi mới từ mô hình kế hoạch hóa sang tự chủ hạch toán đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh 02 sản phẩm chính là cao su và cà phê, Binh đoàn từng bước mở rộng thêm các ngành nghề phục vụ sản xuất và đời sống, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Đến nay, tổng diện tích vườn cây các loại hiện có của Binh đoàn là 44.887,16 ha; trong đó, vườn cao su 44.356,90 ha, vườn cà phê 294,83 ha, lúa nước 68,49 ha, đồng cỏ chăn nuôi 40,06 ha, điều 126,88 ha; 06 nhà máy chế biến cao su với công suất hơn 40.000 tấn/năm; 01 nhà máy sản xuất phân vi sinh công suất 20.000 tấn/năm,... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động là con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, Binh đoàn gặp không ít những khó khăn, thách thức chi phối đến hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như bảo đảm đời sống, dân sinh cho cán bộ, nhân viên, người lao động. Hệ lụy mà nó gây ra là rất lớn, không những ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, năng suất, chất lượng sản phẩm sản suất, mà còn dẫn đến thu nhập, đời sống của người lao động khó khăn, không ổn định làm cho một bộ phận thiếu yên tâm gắn bó với đơn vị, với công việc.

Khó khăn trước hết là địa bàn đứng chân rộng, chủ yếu vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ địa cách mạng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai dịch bệnh diễn biến khó lường; cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi chậm phát triển. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an ninh biên giới có nhiều diễn biến phức tạp. Nổi lên là, các thế lực thù địch và lực lượng Fulrô lưu vong ở nước ngoài luôn tìm mọi cách móc nối với đối tượng cốt cán trong nước để đưa lực lượng vào nội địa, trọng tâm là địa bàn Tây Nguyên; kích động tư tưởng ly khai, chỉ đạo số cốt cán bên trong móc nối phục hồi tổ chức, lôi kéo một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động chống phá chính quyền, vượt biên trái phép sang Campuchia, tuyên truyền về sự thành công của “Nhà nước Đề ga”; vận động, liên kết đạo lạ tham gia các hoạt động tạo bất ổn cục bộ, nhằm chống phá cách mạng nước ta; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, chia rẽ Quân đội với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Chưa hết, Tây Nguyên - vùng đất đỏ ba-zan rộng lớn, thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp, nhưng do chiến tranh tàn phá, nên phần lớn đất đai bị ô nhiễm bom, mìn, chất độc hóa học, hoang hóa, thiếu nguồn nước,… đòi hỏi phải có sự đầu tư cải tạo cho phù hợp với sự phát triển sản xuất - kinh doanh của Binh đoàn. Mặt khác, lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên chiếm tỷ trọng lớn. Đồng bào nơi đây đa phần trình độ dân trí thấp, còn nhiều hủ tục, kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp, chưa có ý thức sản xuất hàng hóa và tích lũy, thiếu kiến thức trong lĩnh vực sản xuất và tổ chức cuộc sống, quá trình hướng dẫn lao động chủ yếu là cầm tay chỉ việc. Trong khi đó, yêu cầu về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến các sản phẩm của Binh đoàn đòi hỏi ngày càng cao, vì thế năng suất lao động của đối tượng này chưa đạt như mong muốn…

Đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có nhiều biến động; kinh nghiệm, kiến thức quản lý kinh tế của đội ngũ cán bộ có mặt còn hạn chế; mô hình kinh tế - quốc phòng chưa có tiền lệ; giống, vốn, máy móc, phương tiện kỹ thuật eo hẹp, … ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh của Binh đoàn. Mặt khác, những năm gần đây, giá bán mủ cao su trên thị trường xuống thấp kéo dài; chi phí sản xuất tăng cao do tỷ trọng lãi vay ngân hàng lớn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Binh đoàn…

Lãnh đạo Binh đoàn 15 thăm, kiểm tra các dây chuyền chế biến mủ cao su tại các đơn vị trực thuộc .

Những khó khăn trên cùng với tác động của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực lao động và chuỗi sản xuất của Binh đoàn. Không những thế, việc thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khiến tình hình tiêu thụ sản phẩm cao su, cà phê vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Tình hình đại dịch COVID-19 tác động trực tiếp đến công tác tuyển dụng lao động trong và ngoài nước; giá cả một số vật tư, nguyên vật liệu, phân bón,... phục vụ nhiệm vụ sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước ảnh hưởng đến giá thành các loại sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh tế của các đơn vị và chi phí đầu tư cho các dự án tăng... 

Từ khó khăn, thách thức trên, đặt ra cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn, nhất là người đứng đầu có cách nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình, nhận rõ thời cơ, thuận lợi cùng những khó khăn, vướng mắc để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết tâm cao, nhằm tháo gỡ và khắc phục, đưa Binh đoàn 15 từng bước phát triển theo đúng yêu cầu nhiệm vụ của một đơn vị kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên trong cơ chế thị trường.

Quyết tâm của cấp ủy, ý chí của người đứng đầu.

Để khắc phục hiệu quả tác động của những khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định, Binh đoàn 15 luôn xác định vai trò của cấp ủy, người đứng đầu, trực tiếp là đồng chí Tư lệnh Binh đoàn, giám đốc các công ty, nhà máy, đội trưởng các đội sản xuất là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần đoàn kết, thống nhất cao gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ và khắc phục khó khăn. Trong “cái khó” đã “ló cái khôn”, Thường vụ Đảng ủy Binh đoàn yêu cầu cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong Đảng bộ Binh đoàn phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung xác định chủ trương, phương hướng, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, khả thi; trong đó, đề cập những vấn đề nổi cộm, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, việc khó, việc mới, không chùn bước trước những khó khăn chi phối đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nâng cao năng lực dự báo tình hình, xây dựng chiến lược phát triển của Binh đoàn phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khu vực Tây Nguyên, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới của Đảng và Chính phủ. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, điều hành, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, khả năng huy động, khai thác các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế và xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nơi đứng chân. Xây dựng kế hoạch hằng năm gắn với mục tiêu quy hoạch tổng thể và kế hoạch trung, dài hạn.

Từ chủ trương đó, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đề ra 8 biện pháp cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Trong đó, đáng chú ý, Binh đoàn 15 xác định tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chỉ huy trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn bó với Binh đoàn, ý thức, trách nhiệm cao, không bị chi phối bởi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Cùng với đó, cơ cấu lại ngành nghề, sản phẩm đầu ra, rà soát, tiết giảm định mức kinh tế kỹ thuật, giảm suất đầu tư, kiểm soát chi phí, triệt để thực hành tiết kiệm; thực hiện tốt phương án khoán gắn với nâng cao định mức, tăng năng suất lao động (tập trung vào lao động dân tộc thiểu số) nhằm hạ giá thành sản phẩm, chống lỗ và từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp, duy trì nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá hoạt động, đảm bảo sản xuất - kinh doanh gắn với tăng thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Cán bộ, chiến sĩ, công nhân Đoàn kinh tế - Quốc phòng 79, Binh đoàn 15 gặt lúa giúp nhân dân khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn.

Mặt khác, thực hiện tinh giản tổ chức, biên chế, bộ máy, theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, rà soát các đầu mối trực thuộc, các bộ phận, trung gian để sáp nhập, giải thể… phù hợp yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho cán bộ, nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp và người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trong Binh đoàn; đàm phán với các Ngân hàng cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay; quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc đầu tư các dự án tại Lào và Campuchia; chủ động phòng, chống, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là việc quản lý lao động trong và ngoài nước, không để lây nhiễm trong đơn vị và ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo hoàn thành " mục tiêu kép"…

Để thực hiện các giải pháp đề ra, từ đồng chí Tư lệnh Binh đoàn đến chỉ huy các cấp đều thể hiện ý chí, quyết tâm cao, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, người đứng đầu phải nêu gương mọi lúc, mọi nơi. Tích cực đổi mới, sáng tạo, sâu sát cơ sở, nắm bắt thị trường để có biện pháp quản lý, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp bằng những loại cây cho năng suất, chất lượng cao hơn, thị trường đang cần. Tối ưu hóa quy trình, công nghệ sản xuất - kinh doanh, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện nhận thức và hành động lệch lạc, sai trái, ngại khó, ngại khổ, không dám làm, không dám đổi mới…

Với quyết tâm của cấp ủy, đề cao tinh thần trách nhiệm, ý chí của người đứng đầu trong triển khai thực hiện, nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của Binh đoàn vẫn ổn định và phát triển trong trạng thái bình thường mới; những khó khăn, thách thức  từng bước được tháo gỡ, khắc phục, góp phần đảm bảo cho Binh đoàn phát triển toàn diện, bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược trọng yếu của Tổ quốc ./.

Bài 2:  Vượt khó, hướng tới tương lai từ những kinh nghiệm quý

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN