Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) – Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một trong những bài học kinh nghiệm then chốt giúp các địa phương triển khai thuận lợi chính là “lấy dân làm gốc”. Nhân dân, mà cụ thể trong phong trào này là nông dân phải là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Không phải ngẫu nhiên, tư tưởng “lấy dân làm gốc” được đúc kết thành kim chỉ nam định hướng cho cả chặng đường xây dựng nông thôn mới (NTM). Tại Thủ đô Hà Nội, bài học này được đúc kết, thử thách qua thực tiễn khá sinh động. Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, đã có những địa phương cán bộ không có sự bàn bạc, lấy ý kiến nhân dân dẫn tới nhiều bất cập xảy ra. Ngay ở khâu đột phá được Hà Nội chọn trong xây dựng NTM là dồn điền đổi thửa, bài học lấy dân làm gốc đã được thể hiện rõ nét nhất. Ở một số thôn, xã, cán bộ vì lợi ích cá nhân nên làm sai quy trình dồn đổi khiến cho người dân bức xúc, thậm chí có nơi bà con không nhận ruộng, bỏ ruộng hoang vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa tạo nên những hệ lụy tiếp theo khi thực hiện các tiêu chí khác. Nhiều chương trình, đề án, công trình rơi vào cảnh dở dang cũng vì thiếu sự tham gia chung tay góp sức của người dân…
Từ thực tế đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020, trong đó quán triệt sâu rộng tới các địa phương về tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và người dân. Nhờ đó, xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia. Hết năm 2015, Hà Nội có 201/386 xã đạt chuẩn NTM, chiếm khoảng 11% số xã NTM của cả nước, Hà Nội đã vươn lên khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vô cùng quan trọng này.
Cũng từ quan điểm như trên, xã Thanh Trù (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới từ năm 2014. Theo đồng chí Bùi Kim Quốc, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Trù, với những xã, địa phương có xuất phát điểm thấp, phải phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới vì nguồn lực của Nhà nước rất hạn hẹp trong khi đó nguồn lực từ trong nhân dân rất dồi dào, phải huy động tối đa các nguồn lực mới có thể đem lại thành công của chương trình. Nguồn lực của nhân dân cần huy động ở đây không chỉ là tiền của, công sức mà còn cả trí tuệ. Xây dựng nông thôn mới phải phát huy vai trò chủ thể của người dân còn vì đây là quá trình nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người dân.
Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cho thấy nơi nào huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của mỗi người dân cùng với Nhà nước và địa phương thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới thì sớm đạt đích xã nông thôn mới và ngược lại.
Để phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân, các cấp chính quyền phải phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chỉ khi nào cán bộ chính quyền lấy công khai, minh bạch làm đầu, phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân có quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó thì người dân mới tích cực, hăng hái đóng góp tiền của để xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Trù Bùi Kim Quốc cho biết, quá trình xây dựng nông thôn mới, có những việc rất thuận, nhưng cũng có những việc nhân dân chưa hiểu hoặc cũng có những ý kiến trái chiều. Cấp ủy, chính quyền đã thực hiện công tác vận động tuyên truyền, thuyết phục trực tiếp hoặc thông qua chi bộ, họ hàng, dòng tộc để tạo ra những hiệu ứng lan tỏa trong toàn xã. Nhờ đó đã tạo ra sự đồng thuận trong quá trình triển khai.
Nhờ huy động sức dân, các công trình công cộng được hoàn thành nhanh chóng. Công trình Nhà văn hóa thôn Đồng Sắn là một ví dụ. Đồng chí Chu Bá Tài, Bí thư chi bộ thôn Đồng Sắn, xã Thanh Trù, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho biết, trước kia đi họp chi bộ phải đi họp nhờ nhà dân, rồi sau này họp ở Đình Hạ, chưa có nơi riêng để họp chi bộ. Từ ngày có nhà văn hóa được xây dựng khang trang, các hoạt động chung của thôn chuyển về đây, các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao được phát huy.
Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Thanh Trù, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được tăng cường điện, đường, trường, trạm… Nhất là giao thông, 100% các tuyến đường trục của xã, liên xã, đường trục của thôn, liên thôn và các tuyến đường ngõ xóm ở Thanh Trù đã được nhựa hóa, bê tông hóa; trường học, nhà văn hóa đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Về cơ sở vật chất văn hóa 7/7 thôn, làng có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn theo quy định, diện tích trung bình 500 m2/nhà; hệ thống thủy lợi 100% kênh mương cấp III được cứng hóa, 5 trạm bơm tưới, tiêu được cải tạo nâng cấp phục vụ cho nông nghiệp.
Công tác triển khai thực hiện các nội dung giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường đều thu được kết quả đáng phấn khởi. Góp phần thúc đẩy sản xuất an sinh xã hội, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa thu nhập đầu người năm 2014 là 26,5 triệu/người/năm, bằng 1,5 lần quy định mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh; Năm 2015 thu nhập đầu người đạt 28,8 triệu đồng/người/năm tăng 2,3 triệu đồng so với năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 của xã là 10,84%; năm 2015 giảm xuống còn 2,78%.
Kinh nghiệm từ các địa phương thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới cũng cho thấy, cán bộ chính quyền khi huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới không được làm quá sức dân. Người dân không phải trong một sớm một chiều được thụ hưởng những kết quả từ việc xây dựng nông thôn mới nên ngay từ đầu kêu gọi họ đóng góp quá sức sẽ tạo cho họ cảm giác chương trình nông thôn mới là một gánh nặng. Vì vậy, cán bộ chính quyền khi huy động sức dân phải vừa sức, từng bước, tránh nóng vội. Theo đồng chí Hồ Bảo Thông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, huy động sức dân là phải vừa sức và trên tinh thần tự nguyện, người góp của, người góp công thì mới thành công.
Theo kinh nghiệm của xã Quỳnh Đôi, việc nêu gương là cần thiết trong quá trình xây dựng các phong trào. Quá trình vận động hiến đất là công trình công cộng, xã đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của ông Hồ Sỹ Khai, hơn 80 tuổi thôn 7 xã Quỳnh Đôi là người tiên phong hiến 50m2 đất để mở rộng đường giao thông của thôn. Từ đó thôn lấy gương của ông để phát động phong trào và đạt kết quả tốt, tại thôn 7 hiến hơn 122 m2 đất, toàn xã hiến hơn 500 m2 đất thổ cư và trên 88.000 m2 đất sản xuất 2 lúa để chuyển đổi làm đường giao thông nội đồng và các công trình phúc lợi như trường học, nhà thờ, đền chùa… Qua việc vận động tuyên truyền đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng và ủng hộ.
Ông Hồ Sỹ Khai cho biết, xây dựng nông thôn mới là chủ trương hợp lý, hợp tình, để nâng cao mức sống của người dân thì chúng tôi mừng lắm. Nhà nước và nhân dân cùng làm thì chúng tôi sẵn sàng bớt một ít đất để làm đường đẹp hơn. Các khoản đóng góp khác chúng tôi sẵn sàng đóng góp, quan trọng là các đồng chí cán bộ quản lý tốt, làm đúng việc, sử dụng các khoản thu đúng mục đích, làm lợi cho nhân dân thì chúng tôi lúc nào cũng ủng hộ.
sử dụng các khoản thu đúng mục đích, làm lợi cho nhân dân thì chúng tôi lúc nào cũng ủng hộ.
Anh cho biết, thu nhập khá lên do được dồn điền đổi thửa và chuyển đổi cây trồng là kết quả đầu tiên trong chương trình xây dựng nông thôn mới nên nhân dân ai cũng phấn khởi và sẵn sàng đóng góp để thực hiện các mục tiêu khác trong chương trình. Không chỉ anh Dương, 115 hộ trong xóm mỗi hộ đóng 1triệu 700 ngàn đồng để xây dựng các công trình công cộng đều thấy rất thoải mái và hợp sức, nhiều nhà còn ủng hộ thêm hoặc có nhà tự lấp ao, san nền đẹp trước khi giao mặt bằng làm đường cho xóm. “Khi hiểu được xây dựng nông thôn mới là để cho mình thì ai cũng sẽ sẵn lòng tham gia” – anh Dương khẳng định.
Rõ ràng, xây dựng nông thôn mới được xác định là “của dân, do dân và vì dân”, nhưng trong quá trình triển khai, không phải nơi nào, địa phương nào cũng làm được điều đó do cách làm và phương pháp còn chưa đúng, chưa phát huy hết dân chủ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân. Bài học lấy nhân dân làm gốc, lấy nông dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới cần được các cấp ủy, chính quyền phát huy nhiều hơn nữa. Lấy người nông dân làm trung tâm trong triển khai mọi công việc từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe, giáo dục, văn hóa... Các công việc đó cần được thực hiện trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của chính nhân dân, để người dân thấy rõ lợi ích của mình và tham gia xây dựng NTM./.