Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy vai trò các đoàn thể trong thực hiện chính sách, pháp luật đất đai

Thứ Năm, 24/06/2021 17:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin đất đai; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của MTTQ, đoàn thể và toàn dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Ngày 24/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến với 8 tỉnh, thành về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: HM 

Theo Bộ TN&MT, đất đai với mỗi quốc gia là tài nguyên đặc biệt, là một trong những nguồn lực to lớn cho phát triển. Vấn đề đất đai và chính sách, pháp luật quản lý đất đai luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; có tác động trực tiếp tới hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường đất nước cũng như mỗi người dân. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới khẳng định việc đổi mới chủ trương, chính sách, pháp luật, giải quyết đúng đắn các quan hệ về đất đai luôn là đột phá để góp phần giải phóng sức lao động, tạo xung lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Qua gần 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và 8 năm thi hành Luật đất đai, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường... Hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường; nguồn thu từ đất đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm; thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất đã từng bước phát triển để cùng với thị trường vốn, thị trường lao động, khoa học, công nghệ cấu thành một chỉnh thể của cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng bộc lộ nhiều tồn tại; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tài nguyên đất đai chưa được giao cho chủ thể có năng lực sử dụng hiệu quả còn để lãng phí, hoang hóa, chưa hiệu quả.

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất còn yếu kém, thiếu đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện pháp luật đất đai còn chưa nghiêm; tình trạng vi phạm chính sách pháp luật đất đai, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều nhất trí cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 và 8 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn đều có những chuyển biến tích cực, hệ thống quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường ở cả 3 cấp. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được kết quả nhất định. Hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng được kiện toàn, trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao. Công tác giao đất, cho thuê, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều thu được những kết quả quan trọng góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại như: Nguồn lực đất đai chưa được phát huy đẩy đủ; thị trường bất động sản chưa ổn định; chính sách hỗ trợ, tái định cư còn bất cập nhất là việc hết quỹ đất bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong khi người dân chỉ có nhu cầu bố trí tái định cư, không đồng ý với đền bù bằng tiền…

Đặc biệt các đại biểu nhất trí kiến nghị, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đồng bộ để quản lý sử dụng nguồn lực hiệu quả, tăng cường minh bạch công khai các quy hoạch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao ý kiến về các tồn tại và đề xuất giải pháp của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời đề nghị tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố sớm có Văn bản gửi về Ban Kinh tế Trung ương và Ban các sự Đảng Bộ TN&MT để kịp thời tổng hợp phục vụ Tổng kết Nghị quyết 19 và Luật đất đai.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư; đẩy mạnh sử dụng có hiệu quả các công cụ về kinh tế, tài chính trong quản lý đất đai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai.

Đồng thời, hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất của các cấp; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin đất đai hiện đại; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân và toàn dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai./.

BL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN