Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy trách nhiệm, bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật trong giám sát

Thứ Năm, 04/11/2021 15:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu từng thành viên các Đoàn giám sát phải thống nhất từ nhận thức đến hành động, phát huy tinh thần trách nhiệm,có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, thì mới có thể tổ chức giám sát đạt được kết quả như mong muốn.

Cần lắng nghe nhiều kênh đa chiều

Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Tại Hội nghị, các ý kiến tham luận và phát biểu đều đồng tình, đánh giá cao các kế hoạch chi tiết và sáng kiến tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc; cho rằng các chuyên đề giám sát lần này do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, quyết định đều rất đúng, rất trúng và hết sức quan trọng.

Bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội chỉ ra thực tế vẫn còn không ít kiến nghị của HĐND các địa phương chưa được xem xét, trả lời, trên cơ sở đó đề nghị tăng cường giám sát kết quả thực hiện kiến nghị của địa phương.

Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Ảnh: TH

Liên quan đến chuyên đề giám sát “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề xuất trong quá trình thực hiện giám sát tại các địa phương, đoàn giám sát cần có sự phối hợp ngay từ đầu của đoàn ĐBQH và HĐND các cấp đối với các vụ việc cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, trong giám sát cần lắng nghe nhiều kênh đa chiều để có nhận xét đánh giá, ưu điểm hạn chế sát thực tế. Vì trong giám sát ưu điểm, hạn chế phải nói rõ, kể cả những sai phạm bởi đây là yếu tố quan trọng.

“Phải yêu cầu nói sát và phải làm sao nội dung sát thực tế và trung thực thì mới đánh giá đúng làm được đến đâu, cái chưa làm được? và kiến nghị để có tác dụng tạo sự chuyển biến tích cực. Vì vậy chúng ta cần chỉ đạo các địa phương trong báo cáo phải dám nói thẳng nói thật”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực kiến nghị.

Phát huy trách nhiệm, bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ này để triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chúng ta tổ chức một hội nghị toàn quốc như thế này để thống nhất nhận thức, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan này với cơ quan khác, bảo đảm phối hợp “dọc – ngang - trên – dưới – trong – ngoài”.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị tuy ngắn gọn nhưng đã đi thẳng vào vấn đề về nội dung và có nhiều kiến nghị, đề xuất rất xác đáng, cho thấy các chuyên đề giám sát được lựa chọn rất đúng, trúng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: TH

Đặt vấn đề quan trọng bây giờ là tổ chức thực hiện như thế nào?, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trước hết, trách nhiệm đầu tiên, trực tiếp là của các Đoàn giám sát.

“Trước đây có tình trạng một đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban có thể tham gia 2 - 3 Đoàn giám sát nhưng lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dứt khoát một đồng chí chỉ tham gia duy nhất một Đoàn để tập trung thực hiện nhiệm vụ, không có chuyện “đánh trống, ghi tên”, đã là thành viên Đoàn giám sát thì từng cá nhân phải làm đến nơi, đến chốn; phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ các hoạt động theo yêu cầu của Luật cũng như yêu cầu của Đoàn giám sát; lắng nghe ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của nhân dân, phải nghe bằng nhiều kênh, nhiều tai, trung thực, khách quan. Đồng thời cũng phải tôn trọng đối tượng giám sát, không sách nhiễu, không gây phiền hà, không “cua cậy càng, cá cậy vây”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các thành viên cũng như Trưởng, Phó Đoàn giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, tránh tình trạng phát hiện từ dưới cơ sở bằng “con voi” nhưng gọt giũa dần khi lên đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chẳng còn gì nữa. Phát huy được những mô hình tốt những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng ra, chứ không phải chỉ tìm khuyết điểm, sai phạm.

“Phải đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Đó là mục tiêu của giám sát”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đoàn ĐBQH và HĐND phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Cùng với việc bám sát kế đề cương nhưng cũng phải tranh thủ ý kiến cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương…

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Đoàn giám sát kịp thời có báo cáo về tiến độ, rà soát các vấn đề phát sinh thường xuyên có giao ban nội bộ và có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề phát sinh trong quá trình giám sát, thậm chí có những vấn đề còn phải điều chỉnh về chương trình, kế hoạch cũng như những mục tiêu trọng điểm vì quá trình làm có thể phát sinh những vấn đề mới, có vấn đề mà cần phải mở rộng, đi sâu hơn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí, bao gồm các cơ quan báo chí của Quốc hội và các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tham gia sâu rộng vào quá trình giám sát của Quốc hội, kể cả thông tin truyền thông, cung cấp thông tin liên quan đến các chủ đề này./.

Vy Thảo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN