Phát huy tinh thần tiên phong của doanh nghiệp tư nhân
(ĐCSVN)- Khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp tư nhân nói riêng luôn có một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ luôn chia sẻ, đồng hành với các doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ mới, các việc khó. Đồng thời Chính phủ cũng mong muốn doanh nghiệp phát huy tinh thần tiên phong, chủ động cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Đây cũng là thông điệp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đàu tư (KHĐT) báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy vai trò tiên phong, chủ động tham gia đầu tư các dự án lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội diễn ra vào 21/9/2024 tại Hà Nội.
Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: MPI) |
Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp, doanh nhân luôn giữ vai trò then chốt, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế. Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hiện nay Việt Nam đã có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Theo thống kê, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng, cụ thể: tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào. Thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa triệt để. Tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp còn chậm, nhất là các dự án quy mô lớn. Đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen...còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế. Hoạt động của các doanh nghiệp lớn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỷ lệ các DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và FDI còn thấp.
“Chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới. Bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới” - Bộ trưởng Bộ KHĐT nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ KHĐT, khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy không chỉ ở các quốc gia phát triển mà kể cả các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nhóm các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế ở cả góc độ tăng trưởng, việc làm, ngân sách, xuất khẩu, thuế hay tạo ra giá trị gia tăng.
Phát huy hiệu quả của lực lượng doanh nghiệp tư nhân (Ảnh: PV) |
Khuyến nghị, đề xuất đồng bộ nhóm giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
Bộ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, việc Thủ tướng và Thường trực Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt với các doanh nghiệp tư nhân lớn là hết sức có ý nghĩa, giống như Hội nghị Diên Hồng đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân để Chính phủ và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp lớn. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHĐT đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể:
Đối với các Bộ, ngành:
(i) Tập trung các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ.
(ii) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
(iii) Khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó tập trung vào các chính sách: Hỗ trợ tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như: vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, R&D và các yếu tố đầu ra như thị trường, thương hiệu.
(iv) Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế xanh, kinh tế số. Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, Đề án phát triển thị trường các-bon, khu thương mại tự do tại các địa phương.
Cũng dịp này, để thực hiện được vai trò tiên phong, dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; làm chủ chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, Bộ KHĐT khuyến nghị:
(i) Các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác. Với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, chúng tôi tin rằng đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu đem lại doanh thu lợi nhuận, các doanh nghiệp lớn cần tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững như: xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp, tham gia vào các dự án lớn của đất nước như: Đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị, Đường cao tốc Viên Chăn - Hà Nội, Đường sắt Viên Chăn - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, …
(ii) Các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; tiên phong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước; tiên phong trong nghiên cứu, thực hiện chính sách đột phá phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.
(iii) Các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, định hướng, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia làm nhà thầu phụ cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, sức mạnh nội sinh, tự lực, tự cường; chủ động nắm bắt thời cơ, có phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh và bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.